Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Để đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số, ngành Khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Km88+200 QL.279 (dốc Bản Lằn, thuộc xã Sơn Phú, Na Hang) là đoạn đường có địa hình một bên là mái taluy dương cao (từ 15 - 20 m), phía còn lại là taluy âm có dân cư sống tập trung khoảng 10 hộ gia đình sinh sống. Hàng năm, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết gây ra mưa lớn, dẫn đến mái taluy mất ổn định, tiềm ẩn nguy cơ sụt lở gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và các hộ dân sinh sống trong khu vực. Năm 2020, Sở KHCN tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Thiết kế, chế tạo thiết bị và xây dựng giải pháp công nghệ cho hệ thống xử lý thông tin tích hợp trên nền tảng vạn vật kết nối IoT (Internet of Things) phục vụ công tác cảnh báo sạt lở trên hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” do Sở Giao thông vận tải chủ trì thực hiện. Với hệ thống tự động đo lường, cảnh báo, quản lý giám sát hiện tượng trượt đất đá trên nền tảng IoT được lắp đặt trong dự án là một mạng lưới khép kín chạy tự động bằng năng lượng mặt trời, cung cấp theo thời gian thực các thông số về địa chất như: độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, bức xạ mặt trời, độ ẩm đất… tự động qua sóng 4G tới hệ thống máy chủ và cho phép người dùng giám sát trên máy tính, điện thoại thông minh.
Đồng chí Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, dựa trên các dữ liệu đầu vào hệ thống có thể thống kê, phân tích với các thông số quan trắc thời gian thực, độ chính xác cao. Đây là cơ sở vững chắc giúp cơ quan quản lý giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục hiện tượng sụt lún, sạt lở, trượt đất đá nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh thực hiện “Xây dựng, triển khai bản đồ số quản lý tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Bản đồ số được xây dựng dựa trên nền tảng của Google Maps tích hợp với các lớp nền bản đồ hành chính của tỉnh tại địa chỉ: http://covidmaps.soytetuyenquang.gov.vn. Ưu điểm của bản đồ số là lưu trữ khối lượng thông tin lớn, tổng hợp theo báo cáo của các trạm y tế, các điểm kiểm dịch và cập nhật thông tin theo thời gian thực. Thông qua điện thoại di động thông minh hoặc máy vi tính có kết nối mạng internet, người dân có thể tìm kiếm, phát hiện các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 xung quanh hoặc tại một vị trí bất kỳ trên địa bàn tỉnh, giúp người dân dễ dàng nắm bắt những “điểm nóng” để không di chuyển đến, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Đồng chí Vũ Chí Thành, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh chia sẻ, việc áp dụng công nghệ số hóa trong việc theo dõi, cập nhật bản đồ các vị trí có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng để chủ động phòng tránh là điều cần thiết. Bản đồ số được cập nhật và đưa vào quản lý, sử dụng, góp phần đạt hiệu quả trong công tác theo dõi, giám sát, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra cộng đồng. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng giảm, trung tâm tiếp tục mở rộng phần mềm quản lý, thống kê các dịch bệnh khác trong thời gian tới như: sốt xuất huyết, cúm A…
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ngành KHCN trong tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử với tên miền http://skhcn.tuyenquang.gov.vn đã đảm bảo cung cấp thông tin về các hoạt động chuyên ngành, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KHCN; thủ tục đăng ký, triển khai, kết quả đề tài, dự án; cập nhật nhanh, kịp thời các kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi; công nghệ sinh học, bảo quản, chế biến, môi trường...
Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.