Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch
Năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã từng bước hoàn thiện và triển khai mở rộng phạm vi áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, trong đó có phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh – kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em. Phần mềm, cũng như công tác triển khai, hỗ trợ trong quá trình thực hiện đều được các địa phương thực hiện đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả.
Tính đến nay, phần mềm đăng ký khai sinh (ĐKKS) đã được mở rộng và triển khai tại 18 tỉnh, thành phố; triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch tại 16 tỉnh, thành phố; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch cho 8 tỉnh.
Tính đến ngày 9/11/2017, trên toàn hệ thống đã ghi nhận ĐKKS cho 1.014.041 trường hợp; đăng ký khai tử cho 125.850 trường hợp. Từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 9/11/2017, Bộ Tư pháp đã kết nối, chuyển thông tin về nhân thân của gần 2.200.000 công dân sang Bộ Công an, phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư (bao gồm thông tin cha, mẹ, thông tin bản thân người được khai sinh của 765.280 trường hợp trẻ được ĐKKS tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó một số trường hợp trẻ em không có thông tin về cha, mẹ).
Song song với đó, Bộ Tư pháp đã chủ động lồng ghép hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình, kết hợp hướng dẫn, xử lý vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Hộ tịch cùng với hoạt động khảo sát, đánh giá, hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024. Ngoài ra, còn tổ chức một số lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hộ tịch nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho trên 200 học viên công tác tại các Sở Tư pháp.
Qua 2 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch của hơn 700 phòng tư pháp cấp huyện và 63 Sở Tư pháp trong cả nước. Việc giải quyết, trả lời, hướng dẫn các địa phương về nghiệp vụ hộ tịch cơ bản được thực hiện hiệu quả; kịp thời chỉ đạo các Sở Tư pháp kiểm tra, xác minh, xử lý các vấn đề “có biểu hiện nóng” trong lĩnh vực hộ tịch. Đồng thời tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân tích dữ liệu từ CSDL điện tử về con chung của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam; nghiên cứu đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch đối với những trẻ em chưa được ĐKKS và xác định quốc tịch.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 còn nhiều khó khăn do một số bộ, ngành địa phương chưa quán triệt tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện Chương trình này. Trong đó, một số nhiệm vụ lớn chưa triển khai kịp thời như Thông tư hướng dẫn về việc cấp Giấy báo tử, Dự án khả thi Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc.
Việc triển khai thực hiện Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ Trung ương đến địa phương do chưa bố trí được nguồn kinh phí triển khai, chưa xây dựng dự án khả thi theo đúng tiến độ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn lực tài chính các địa phương chưa đồng bộ, nhiều địa phương chưa triển khai áp dụng phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung.
Thực tế triển khai thi hành các văn bản liên quan đến hộ tịch vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch bảo đảm quyền của trẻ em là “con lai” còn phát sinh nhiều vướng mắc, thông tin quốc tịch của trẻ không chính xác, thông tin về nhân thân của trẻ, cha mẹ trẻ, nơi sinh và việc nhập cảnh của trẻ không hợp lý, thông tin thống kê về trẻ trong CSDL không khớp với số liệu địa phương báo cáo. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp, phân loại nhóm trẻ và đưa ra đề xuất giải quyết với từng nhóm.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại trên, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Bộ Tư pháp cần chủ động hơn nữa trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, UBND các cấp tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch gắn với triển khai thi hành Luật Hộ tịch. Tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, tổng hợp nội dung vướng mắc, bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Thông tư số 15/2015/TT-BTP.
Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án CSDL hộ tịch toàn quốc, hoàn thiện phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch dùng chung, mở rộng phạm vi áp dụng; tăng cường khảo sát, kiểm tra, thanh tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt tại cấp huyện và cấp xã. Đồng thời hoàn thiện CSDL về “con lai” theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để địa phương chủ động cập nhật thông tin, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm giải quyết việc xác định quốc tịch, ĐKKS, bảo đảm quyền lợi cho trẻ em.