Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển năng lượng sạch
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về 'Định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', 5 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng, thực hiện các chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Hệ thống cảnh báo giao thông ứng dụng năng lượng mặt trời tại thị trấn Đạ Tẻh mang lại hiệu quả
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý các đề tài, dự án, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ mới, hiện đại, ít tiêu hao năng lượng; sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp huyện trong lĩnh vực năng lượng với tổng kinh phí 2,25 tỷ đồng. Có thể kể các nhiệm vụ như: Xây dựng mô hình thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới phục vụ chiếu sáng công cộng cho một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Qua đó thực hiện Mô hình thí điểm Sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới phục vụ chiếu sáng công cộng cho một số tuyến đường và cảnh báo giao thông tại huyện Đạ Tẻh (nay là huyện Đạ Huoai), Bảo Lâm như: Dự án “Ứng dụng năng lượng mặt trời lắp đặt hệ thống cảnh báo giao thông tại huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm”.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều dự án chuyển giao khoa học và công nghệ trên lĩnh vực sản xuất, phát triển năng lượng sạch đã triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống tưới nước, bón phân bằng năng lượng mặt trời cho vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Đạ Tẻh; Ứng dụng công nghệ bọt khí Nano Ozone trong nông nghiệp huyện Đơn Dương; Ứng dụng công nghệ bọt khí Nano Ozone trong việc xử lý đất, xử lý nước ngăn chặn nấm côn trùng; Ứng dụng công nghệ tạo men vi sinh dùng trong thức ăn chăn nuôi tại huyện Đơn Dương; Xây dựng mô hình chăm sóc vườn cây ăn trái bằng hệ thống tưới nước, bón phân sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện Đạ Tẻh; Xây dựng mô hình và hoàn thiện quy trình trồng hoa hồng ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT) giám sát điều chỉnh thông số nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, ánh sáng, pH, EC,... giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hoa hồng đáp ứng yêu cầu thị trường. Qua các mô hình, dự án đã giúp bà con nông dân tiếp cận các giải pháp mới, công nghệ mới nhằm ít tốn công lao động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm nông sản địa phương.
Hoạt động hỗ trợ các tổ chức, đơn vị áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng và mức hiệu suất năng lượng tối thiểu của các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng cũng được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai và đạt được các kết quả nhất định. Sở thường xuyên rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, thực hiện thông tin, tuyên truyền về tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các hệ thống quản lý năng lượng khác. Chương trình hỗ trợ năng suất, chất lượng tập trung hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý năng lượng và đánh giá cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các hệ thống quản lý năng lượng khác với nội dung và định mức hỗ trợ cụ thể như sau: hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các hệ thống quản lý năng lượng khác nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp/hợp đồng tư vấn và không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp/hợp đồng chứng nhận.
Việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, mặc dù vậy công tác ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng vẫn gặp một số khó khăn. Việc nhân rộng các mô hình thành công và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào các sáng kiến năng lượng sạch còn hạn chế; việc đổi mới trang thiết bị và công nghệ tại các đơn vị yêu cầu một nguồn vốn lớn, trong khi nhiều cơ sở vật chất đã cũ và tiêu tốn năng lượng.
Để đạt được mục tiêu phát triển năng lượng bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW, bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, ngành khoa học, công nghệ của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trong phát triển năng lượng sạch và tái tạo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào sản xuất, đời sống sẽ được ưu tiên. Đẩy nhanh tiến độ đổi mới công nghệ theo hướng tiêu tốn ít nguyên, nhiên liệu, năng lượng, ít chất thải, các-bon thấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí. Tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng và mức hiệu suất năng lượng tối thiểu của các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng, nhất là các thiết bị, phương tiện tiêu thụ năng lượng lớn. Việc triển khai các mô hình năng lượng sạch và tái tạo không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.