Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành giáo dục và đào tạo
Xác định việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) trong dạy và học không chỉ là nền tảng để khơi dậy đam mê, cảm hứng yêu khoa học trong giáo viên và học sinh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này.
Mô hình “Công viên thắng tích xứ Thanh” tại Trường THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa).
Với Trường THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa) phong trào nghiên cứu, ứng dụng KHKT là hoạt động không thể thiếu trong dạy và học của nhà trường. Đây vừa là hoạt động giúp học sinh áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, vừa là cách giúp các em tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học. Bởi vậy, nhà trường luôn có nhiều cách làm linh hoạt trong việc hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ học sinh khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo KHKT. Đội ngũ giáo viên của nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức KHKT cho học sinh bằng nhiều cách thức mới như: hướng dẫn trực tiếp phương pháp nghiên cứu khoa học, cung cấp tài liệu mới, hỗ trợ về kỹ thuật cho học sinh... Đến Trường THCS Trần Mai Ninh, ấn tượng nhất đối với chúng tôi đó là được tham quan “Công viên thắng tích xứ Thanh” nơi mô phỏng nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh tiêu biểu ở xứ Thanh được nhà trường bố trí đẹp mắt ngay tại khuôn viên sân trường. Trao đổi với các thầy, cô giáo ở trường, chúng tôi được biết: “Công viên thắng tích xứ Thanh” là mô hình điểm nhấn trực quan, đổi mới phương pháp bằng hình thức tổ chức dạy học hiện trường sinh động, góp phần cụ thể hóa nội dung giáo dục địa phương mà khung chương trình của Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương tự chọn, tự biên soạn gồm 17 chủ đề. Đây là những nội dung không có trong sách giáo khoa, được chọn lọc, biên tập kỹ càng, đảm bảo tính thực tế và tính sáng tạo. “Công viên thắng tích xứ Thanh” bao gồm cả cây “Lược sử Việt Nam”, tư liệu Thanh Hóa xưa và nay và phòng chiếu phim mini có sức chứa từ 100 - 150 người để phục vụ mục tiêu và nội dung giáo dục địa phương, điều này chưa có trường phổ thông nào làm được. Quan trọng hơn, ngoài mục đích chính là nội dung giáo dục địa phương, công trình còn là điểm nhấn để học sinh, giáo viên, Nhân dân thêm yêu trường, yêu lớp, yêu quê hương, đất nước. Được biết, trong hội thi sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 12 (2020-2021) công trình “Công viên thắng tích xứ Thanh” của thầy cô Trường THCS Trần Mai Ninh đã đoạt giải nhì.
Những năm qua, Trường THPT Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) không chỉ nỗ lực khẳng định vị thế của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đại trà và mũi nhọn, mà còn được ghi nhận là ngôi trường tiêu biểu về các dự án tham dự và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi KHKT, do các cấp, ngành tổ chức. Tiêu biểu nhất phải kể đến đề tài “Thiết kế bộ dụng cụ lọc tách nhóm động vật chân khớp bé sử dụng trong giảng dạy môn Sinh học ở trường phổ thông” do thầy và trò trong trường nghiên cứu vừa đạt giải Ba tại hội thi sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 12 (2020-2021). Theo chia sẻ của nhóm tác giả tham gia nghiên cứu đề tài thì: Bộ dụng cụ tách lọc động vật là thiết bị dạy học trực quan, sử dụng để giúp học sinh tìm hiểu thêm về đa dạng sinh học, mối quan hệ giữa các loài trong quần xã và hệ sinh thái, tác động giữa các yếu tố ngoại cảnh đến sinh vật... Từ kết quả nghiên cứu bộ tách lọc cải tiến đã thu được số lượng cá thể tương đương với bộ lọc tách chuẩn, số liệu đáng tin cậy và phù hợp với điều kiện thực tế ở trường phổ thông với chi phí chưa đến 200.000 đồng/1 giá lọc gồm 12 phễu. Như vậy, để phục vụ cho 1.700 học sinh toàn trường học tập và nghiên cứu khoa học thì chỉ cần trang bị 5 bộ lọc là đủ, tổng chi phí chưa đến 1 triệu đồng. Bộ tách lọc đã giúp giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, tích cực sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, nâng cao trình độ chuyên môn. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm thu mẫu, bố trí thí nghiệm, trực quan trên các mẫu vật và thống kê xử lý số liệu. Các em được tự mình rút ra các kết luận khoa học, bổ trợ cho các kiến thức lý thuyết đã học, tạo hứng thú trong học tập môn Sinh học.
Những năm qua, để khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu KHKT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức các sân chơi sáng tạo trong học sinh thông qua các cuộc thi như: thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng... Theo số liệu thống kê, trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 101 dự án (24 trường THPT và 20 phòng GD&ĐT) đăng ký dự thi cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh; có 522 dự án từ 1.006 học sinh và 522 giáo viên hướng dẫn tham gia dự thi. Trong đó có, 76 dự án đạt giải (chiếm 75,2%); có 2 dự án được chọn đi thi cấp quốc gia. Theo đánh giá, hầu hết các dự án tham gia dự thi đều có chất lượng cao, không chỉ dừng lại ở ý tưởng, làm theo mà đã đi sâu vào nghiên cứu, sáng tạo những đề tài liên quan đến đời sống, thực tế. Cùng với đó, hàng năm Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia viết sáng kiến, các giải pháp, đề tài khoa học tham gia các cuộc thi do các cấp, ngành tổ chức. Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 12 (2020-2021) vừa qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều đề tài, giải pháp tham dự và được đánh giá cao, như: giải pháp “Thiết kế và xây dựng mới 8 sơ đồ, bảng biểu về môn Hóa học phục vụ cho dạy - học ở trường THCS và THPT phiên bản năm 2020”, của Thạc sĩ Lê Ngọc Tú, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh (đạt giải nhất); giải pháp “Bàn cơ khí, hàn Tig bán tự động sử dụng que hàn phụ” của Thạc sĩ Lê Hoàng, Phòng Khoa học - Kiểm định, Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn (đạt giải khuyến khích)... Thông qua các cuộc thi đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Đồng thời, tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của mình đến bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó thúc đẩy việc tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Từ những kết quả mà phong trào đổi mới, sáng tạo và ứng dụng KHKT trong dạy và học mang lại đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.