Đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa trong doanh nghiệp
Trong thời đại công nghệ số, tự động hóa là xu hướng tất yếu để thúc đẩy nền kinh tế thị trường. Việc ứng dụng tự động hóa không chỉ giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm mà còn tránh được những rủi ro trong quá trình làm việc cho người lao động, nhất là tại những công đoạn sản xuất tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, độc hại cao.
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng Văn IV, Kim Bảng) liên tục đạt mức tăng trưởng khá về sản lượng và doanh thu qua các năm. Hiện, công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện tử như loa, amply thông minh kết nối đa dạng, đa chủng loại. Sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi độ tinh xảo, tính chính xác và quy chuẩn chất lượng cao, Anam Electronics Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại vào các công đoạn sản xuất, nổi bật là tăng cường các giải pháp tự động hóa, đưa cánh tay rô bốt vào thay thế một số công việc làm thủ công trước đây như lấy hàng, nhận hàng ở đầu các dây chuyền sản xuất; thay thế sức lao động của người lao động ở một số công đoạn trong quá trình kiểm tra các chi tiết, nâng cao tính chính xác của sản phẩm…
Hoạt động tại Phòng Điều hành trung tâm Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn.
Ảnh: Thanh Bình
Anh Đinh Duy Khương, Trưởng bộ phận sản xuất mạch điện tử, Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam khẳng định: Do chuyên sản xuất các sản phẩm thông minh và công nghệ cao nên Anam Electronics Việt Nam xác định ngày càng phải đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng tự động hóa để nâng cao độ chính xác của từng chi tiết, từng sản phẩm nhằm mang đến cho khách hàng sản phẩm hoàn hảo với giá thành tối ưu nhất trên thị trường. Thời điểm này, công nhân của công ty đang sản xuất ổn định ở tất cả các công đoạn, đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề cho kế hoạch sản xuất mới trong năm 2024.
Nhờ đẩy mạnh tự động hóa ngay từ khi nhà máy mới đi vào vận hành, trong những năm qua, Công ty TNHH Gentherm Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng Văn II, Duy Tiên) đạt mức tăng trưởng từ 10%/năm. Chuyên sản xuất sản phẩm tấm sưởi nhiệt, tấm thông gió, quạt gió, bộ cáp điện dùng trên xe ô tô, hiện nay, Gentherm Việt Nam ứng dụng giải pháp tự động hóa rộng rãi trong hầu hết các khâu sản xuất và với tất cả các sản phẩm. Cụ thể, trong sản xuất sản phẩm tấm sưởi nhiệt, từ năm 2020, Gentherm Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa ở nhiều công đoạn như may, cắt dây, ép sản phẩm, kiểm tra tiến độ, phát hiện lỗi sản phẩm… Đến nay, sau 3 năm ứng dụng, giải pháp tự động hóa đã giúp tăng năng suất của công ty lên 19% so với trước đây. Còn đối với dòng sản phẩm quạt gió, Gentherm Việt Nam áp dụng tự động hóa từ năm 2021 vào các khâu: cuộn dây dẫn điện, làm nhiễm từ, lắp pin, hàn ghép nối kim loại, gắn nhãn hiệu, kiểm tra và đánh giá sản phẩm trước khi tung ra thị trường… Tự động hóa trong các khâu sản xuất quạt gió đã giúp Gentherm tăng 16% năng suất sau 2 năm ứng dụng.
Ông Phan Quốc Tiến, Giám đốc Kỹ thuật công nghiệp, Công ty TNHH Gentherm Việt Nam cho biết: Khi được lập trình cụ thể, việc thực hiện quy trình vận hành công việc tự động bằng phần mềm giúp các thao tác sản xuất được thực hiện nhanh chóng và chuẩn xác hơn so với thao tác thủ công của con người. Nhờ đó, thời gian qua, công ty đã hạn chế được tối đa các lỗi phát sinh, nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường. Tự động hóa cũng giúp giảm sức lao động, nâng cao đáng kể năng lực sản xuất. Trong thời gian tới, Gentherm Việt Nam có kế hoạch trang bị thêm máy móc tự động, đưa các dây chuyền sản xuất tấm sưởi nhật cơ bản thành dây chuyền bán tự động vào năm 2026. Đồng thời, nâng tỉ lệ tự động hóa trong sản xuất quạt gió lên từ 55% trong năm 2023 lên 70% vào năm 2026.
Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Văn IV, Kim Bảng ứng dụng tự động hóa trong khâu vận chuyển sản phẩm. Ảnh: Hân Hân
Với sự phát triển của công nghệ số hóa, tự động hóa quy trình là giải pháp hiệu quả đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều loại hình doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực sản xuất khác nhau, trong đó ứng dụng phổ biến nhất là ở ngành sản xuất điện, điện tử, may mặc, chế biến nông sản, chế biến gỗ, vệ sinh công nghiệp… Từ đó, giúp doanh nghiệp cắt giảm nhân công, giảm chi phí, tăng hiệu quả, bảo đảm tính chính xác cao trong sản xuất, nhất là trong sản xuất mặt hàng công nghệ, sản phẩm điện tử thông minh. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển đổi số với sự thay đổi từ tư duy quản trị, quản lý đến vận hành sản xuất. Tại Hà Nam, trong những năm gần đây, ở cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến công nghệ, ứng dụng đa dạng giải pháp tự động hóa để giảm sức lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất.
Theo các ngành chức năng, đến nay, tỉnh Hà Nam đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng mạnh mẽ giải pháp tự động hóa và đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét như năng suất lao động được tăng lên, chất lượng sản phẩm được bảo đảm khi hệ thống máy móc đã kiểm soát tốt các lỗi phát sinh, hiệu quả sử dụng lao động ngày càng được nâng cao, tránh nhiều nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động trong sản xuất…
Để phát huy tốt vai trò của tự động hóa trong sản xuất, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi số để nhận thức rõ ràng hơn, cụ thể hơn về tầm quan trọng của công nghệ, tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là động lực thôi thúc các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa lợi nhuận và nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.