Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng
Nhằm hạn chế tình trạng trà trộn nông sản không an toàn, kém chất lượng, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) trong lĩnh vực trồng trọt.
Vùng chuyên canh ớt xuất khẩu ở xã Yên Thái (Yên Định).
Xác định được tầm quan trọng và những lợi ích của MSVT mang lại cho người dân sản xuất và tiêu dùng, HTX nông nghiệp Đồng Lợi (Triệu Sơn) đã xây dựng và phát triển vùng sản xuất các giống lúa BC15, Q5 tập trung năng suất, chất lượng cao. Đến nay, HTX đã xây dựng vùng được cấp MSVT với quy mô 50 ha tại các thôn Quần Nham 1, Quần Nham 2, Long Vân, Lọc Trạch, Lộc Nham với hơn 300 hộ tham gia sản xuất. Ông Vũ Đình Thắng, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Lợi, cho biết: "Để đủ điều kiện được cấp MSVT, các hộ dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, HTX thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám đồng ruộng hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất và sử dụng vật tư theo đúng quy định. Sau khi được cấp MSVT cho các sản phẩm lúa Q5 và BC15, nhiều doanh nghiệp, đại lý tiêu thụ liên hệ với HTX để đặt hàng. Hiện trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường với sản lượng 550 tấn lúa các loại".
Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng MSVT lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn cho các cán bộ cấp xã, huyện và các doanh nghiệp, HTX, người dân về các nội dung có liên quan đến MSVT, cơ sở đóng gói. Năm 2023, chi cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về MSVT cho 500 lượt người. Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ của chi cục đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân các quy định về cấp MSVT và hướng dẫn cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất; cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 82 vùng trồng được cấp mã số theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý MSVT với tổng diện tích 795,5 ha. Trong đó, lúa 680,8 ha, cây ăn quả 60,5 ha, rau màu và các loại cây trồng khác 54,2 ha. Phần lớn các MSVT được cấp trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Yên Định, Đông Sơn, Như Xuân, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thạch Thành, Thọ Xuân...
Diện tích cây ăn quả ở thị trấn Vân Du (Thạch Thành) được cấp mã số vùng trồng.
Qua đó, các địa phương đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có năng suất cao, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít nông dân, HTX, doanh nghiệp ở các địa phương trong tỉnh chưa chú trọng việc xây dựng MSVT cho nông sản... Bên cạnh đó, một số MSVT đã được cấp nhưng công tác duy trì chưa được quan tâm, thường xuyên. Đơn cử như: Tháng 11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định đình chỉ sử dụng các MSVT lúa số VN-38-405-16408-1-22 của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Khê (Đông Sơn) và MSVT lúa số VN-38-405-16384-2-22 của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Ninh (Đông Sơn). Lý do là các HTX này không ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo quy định (nhật ký canh tác). Đồng thời, yêu cầu các HTX có trách nhiệm khắc phục, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét phục hồi MSVT, nếu quá thời hạn, sẽ hủy bỏ các MSVT theo quy định. Ngoài ra, diện tích sản xuất tập trung ở các địa phương chưa nhiều, có những vùng trồng vẫn còn nhiều hộ nông dân tham gia, do đó trong quá trình sản xuất theo các quy trình gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: "Việc xây dựng MSVT không những giúp cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định của người dân để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong ghi nhật ký sản xuất, theo dõi chặt chẽ quá trình sản xuất và có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, mang đến hiệu quả tích cực trong nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững ở các địa phương trong tỉnh".
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong năm 2024, đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá các vùng sản xuất trồng trọt, cơ sở đóng gói có tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu cung cấp nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định để thiết lập, dự kiến cấp mới 69 MSVT đối với các loại cây trồng có tiềm năng, như: lúa, chanh leo, cam, dứa, cây ăn quả... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/day-manh-viec-cap-ma-so-vung-trong/204405.htm