Đẩy mạnh việc chi trả lương, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng
Đến ngày 31/8/2022, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.423 đơn vị trả lương qua tài khoản, tăng 222 đơn vị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 826 đơn vị, tăng 13 đơn vị; số cá nhân nhận lương qua tài khoản với hơn 184 nghìn thẻ ATM, tăng 84 nghìn thẻ so với cùng kỳ năm 2020.
Đến ngày 31/8/2022, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.423 đơn vị trả lương qua tài khoản, tăng 222 đơn vị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 826 đơn vị, tăng 13 đơn vị; số cá nhân nhận lương qua tài khoản với hơn 184 nghìn thẻ ATM, tăng 84 nghìn thẻ so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian qua, việc trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện theo 2 hình thức: chi trả trực tiếp bằng tiền mặt và qua tài khoản ngân hàng. Những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị lựa chọn phương thức trả lương cho người lao động qua thẻ ATM. Cùng với đó, cơ quan BHXH tỉnh tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản và người hưởng chế độ được ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản đã đăng ký. Hiện nay, các dịch vụ an sinh xã hội chi trả qua tài khoản được đánh giá cao và mang lại hiệu quả rõ rệt với nhiều tiện ích thiết thực, như: giao dịch nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn.
Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, các cấp, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của đề án.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp, lắp đặt thêm mạng lưới máy rút tiền tự động (ATM). Đến nay, toàn tỉnh lắp đặt 127 máy ATM, tăng 5 máy và 444 máy POS, tăng 68 máy so với đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ thẻ ngân hàng và giao dịch thuận lợi, đặc biệt ở nơi tập trung đông dân cư, khu vực nông thôn.
Việc giao dịch trên máy ATM của các tổ chức tín dụng luôn bảo đảm an toàn, thông suốt và hệ thống các máy ATM, POS hoạt động ổn định, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn hiện đã đăng ký với ngân hàng thực hiện việc trả lương qua tài khoản ATM.
Đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh có 1.423 đơn vị trả lương qua tài khoản, tăng 222 đơn vị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 826 đơn vị, tăng 13 đơn vị; số cá nhân nhận lương qua tài khoản với hơn 184 nghìn thẻ ATM, tăng 84 nghìn thẻ so với cùng kỳ năm 2020.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân tham gia ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động. Ảnh: Đức Anh
Thực hiện Quyết định 999/QĐ-BHXH ngày 31/3/2022 của BHXH Việt Nam về việc giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2022, cơ quan BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả. Trong đó, phối hợp với các cấp, ngành tăng cường vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp tham gia thanh toán qua thẻ ATM và giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện. Kết quả, 9 tháng đầu năm nay, tổng số tiền chi các chế độ BHXH, trợ cấp qua thẻ ATM cá nhân của toàn tỉnh là 2.036 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch, tăng 175 tỷ đồng và bằng 109% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Mạnh Toàn, Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, đây là biện pháp bảo đảm an toàn cho người thụ hưởng vì đối tượng không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền, ký danh sách chi trả như phương thức truyền thống. Với những người lao động hưởng các chế độ: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe khi sử dụng phương thức chi trả này sẽ góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả. Từ đó, giúp người lao động nhận được các chế độ đầy đủ theo quy định và kịp thời, chính xác. Còn với cơ quan chi trả, bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong khâu vận chuyển và tránh được sai sót, giảm áp lực về thời gian chi trả. Đồng thời, tạo niềm tin cho người lao động và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, nhất là việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ trên địa bàn.
Bà Trần Thị Mai, ở phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) cho biết: Sử dụng dịch vụ chi trả lương hưu qua thẻ ATM mang lại nhiều tiện ích. Hằng tháng, người nhận không phải đến các điểm bưu điện nhận lương theo định kỳ, tránh xếp hàng chờ đợi, nhất là tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Và hơn nữa không phải làm giấy ủy quyền cho người thân đi lấy hộ.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay ở Hà Nam nhiều đơn vị, doanh nghiệp và địa phương có nhiều người nhận lương, trợ cấp BHXH chưa tham gia trả lương qua tài khoản ATM. Số đối tượng hưởng lương hưu tham gia chủ yếu trên địa bàn TP Phủ Lý, song việc trả lương, trợ cấp BHXH cho đối tượng này còn hạn chế.
Nguyên nhân do đa số đối tượng hưởng lương hưu là những người tuổi đã cao, khó khăn tiếp cận công nghệ thông tin và quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu. Bên cạnh đó, hiện Nhà nước chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp thực hiện dịch vụ trả lương cho người lao động qua tài khoản ATM do đó nhiều đơn vị chưa tích cực hưởng ứng tham gia.
Để thu hút đối tượng nhận các chế độ BHXH, lương hưu qua tài khoản, theo cơ quan BHXH, ngoài việc tăng cường đầu tư, mở rộng mạng lưới máy ATM, nâng cao chất lượng phục vụ, các ngân hàng cần có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được giảm, miễn phí rút tiền và các giao dịch khác trên máy ATM. Các địa phương, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền và xây dựng chỉ tiêu cụ thể để đăng ký tham gia dịch vụ đồng thời xác định đây là chỉ tiêu bình xét thi đua hằng năm của mỗi cơ quan, đơn vị.
Từ thực tế đó, ngày 11/7/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025 và BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu cơ quan BHXH tỉnh tổ chức các giải pháp hữu hiệu để thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân đăng ký tham gia. Tin rằng, thời gian tới việc mở rộng đối tượng chi trả các chế độ liên quan đến lương, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ở tỉnh ta sẽ được mở rộng, góp phần thực hiện tốt Đề án của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.