Đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Quảng Trị đang tăng cường lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hiện tại, đã có 18 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên đang khai thác ở vùng biển xa được lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị đầu cuối kết nối vệ tinh (gọi tắt là thiết bị Movimar). Đây cũng là một trong những nỗ lực của tỉnh Quảng Trị trong việc cùng với cả nước nhanh chóng xóa 'thẻ vàng' của EC đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam.

 Lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu cá

Lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu cá

Trao đổi với chúng tôi khi đang được cán bộ kĩ thuật của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) hướng dẫn cách sử dụng thiết bị Movimar, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn và các ngư dân trên tàu cá QT96969TS đều có chung nhận định là thiết bị này tương đối nhỏ gọn, cách sử dụng đơn giản lại có nhiều tính năng ưu việt hơn so với thiết bị VX1700 mà anh đã sử dụng từ trước đến nay. Anh Tuấn cho biết, với quyết tâm vươn khơi, bám biển dài ngày, ngay sau khi có Nghị định 67 của Chính phủ anh đã vay gần 20 tỉ đồng đóng mới chiếc tàu vỏ thép dài 28,6 m, công suất 829 CV, làm nghề lưới vây. Để báo cáo thông tin về Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh, anh sử dụng thiết bị VX1700 (máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS). Theo anh Tuấn, mặc dù có ưu điểm là có thể nhắn tin về Trạm bờ theo đúng quy định, lại có thể điện đàm trực tiếp về đất liền, rất thuận tiện, tuy nhiên do sử dụng sóng HF nên thiết bị VX1700 chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết. Lúc thời tiết bình thường thì nhắn tin tốt chứ khi thời tiết xấu việc nhắn tin thường bị lỗi, có khi không nhắn được. Trong khi với thiết bị Movimar do sử dụng vệ tinh nên ít bị ảnh hưởng hơn. “Có thiết bị giám sát hành trình này thì nhiều tiện ích lắm, vì tàu chỉ cần ra khơi đánh bắt, ở đất liền cơ quan quản lí biết được mình ở tọa độ nào, không phải cầm máy nhắn tin gửi về đất liền rồi thấp thỏm chờ không biết ở Trạm bờ đã nhận được hay chưa như trước đây nữa”, anh Tuấn nói.

Theo quan sát của chúng tôi, thiết bị Movimar này khá nhỏ gọn bao gồm 1 ăng ten vệ tinh, hộp đấu dây và một máy tính bảng hiệu Samsung; tất cả được kết nối với nhau thông qua bluetooth. Theo kĩ sư Hoàng Thiện, cán bộ kĩ thuật Công ty Vishipel, Movimar là thiết bị được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong việc quản lí tàu cá. Sau khi lắp đặt hoàn thiện, thiết bị nhận tín hiệu GPS sẽ định vị 24/24 giờ với tần suất 15 phút/lần, mỗi tàu có ăng ten thu phát và mã số riêng. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu đang di chuyển trên biển. Vì vậy, cơ quan quản lí có thể biết chính xác vị trí của tàu đánh cá thông qua ảnh chụp từ vệ tinh. Đồng thời, quản lí và cập nhật được nhật kí khai thác của các tàu thông qua nhật kí khai thác điện tử được tích hợp. Qua đó, cho phép truy xuất được một cách chi tiết, rõ ràng nhất về nguồn gốc các loại hải sản đánh bắt được. Ngoài ra, thiết bị này còn có thể thu thập các dữ liệu về khí tượng, gửi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các sự cố thiên tai về mưa bão trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh. Khi tàu cá của ngư dân không may gặp sự cố thì thiết bị này sẽ phát tín hiệu toàn cầu, ngay lập tức các tổng đài, các tàu bạn sẽ biết được vị trí tàu gặp nạn để kịp thời ứng cứu. “Đây là thiết bị đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của EC trong giám sát hành trình tàu cá nhằm chống khai thác IUU. Thông qua thiết bị này các cơ quan quản lí có thể chủ động kiểm tra và giám sát được đối với từng tàu cá có lắp thiết bị”, anh Thiện nhấn mạnh.

Theo luật định, tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đảm bảo tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 2 giờ/lần; tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tự động truyền tin nhắn tối thiểu 8 vị trí/ngày với tần suất 3 giờ/lần qua các hệ thống thông tin vệ tinh, thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng băng tần MF, HF, VHF. Ngoài ra, theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 cũng đã quy định cụ thể về lộ trình lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá. Theo đó, đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m khai thác nghề lưới kéo phải được lắp đặt trước ngày 1/1/2020; các tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m khai thác các nghề còn lại phải được lắp đặt trước ngày 1/4/2020.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, hầu hết tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh đều đã được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa ICOM và thiết bị VX1700 có chức năng nhắn tin thông báo địa điểm của tàu cá về Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản. Riêng đối với 18 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên đã được lắp đặt hoàn chỉnh miễn phí thiết bị Movimar. Thông qua các thiết bị Movimar này thông tin về hành trình của tàu cá sẽ được tự động báo cáo về Trung tâm giám sát của Tổng cục Thủy sản và Trạm bờ tại Chi cục Thủy sản, giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản trên biển của tàu cá; phát hiện và cảnh báo tàu cá khi ở vùng biển giáp ranh với các nước xung quanh để chủ tàu điều chỉnh kịp thời, không vi phạm khai thác trên các vùng biển nước ngoài. Theo ông Nam, do quản lí qua vệ tinh nên việc giám sát các tàu cá rất hiệu quả, từ trung tâm giám sát ở đất liền có thể nhận biết tất cả tàu cá có lắp đặt thiết bị Movimar. Muốn kiểm tra bất kì một tàu cá nào chỉ cần một thao tác đơn giản là cơ quan chức năng có thể biết được mọi thông số như số hiệu, công suất, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ tàu, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào. Ngoài ra, thiết bị Movimar còn hỗ trợ cho chủ tàu và cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, góp phần quan trọng thực hiện tốt các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tiến đến tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam. Ông Nam cũng lưu ý, thuyền trưởng vận hành các tàu cá đã được lắp đặt thiết bị Movimar phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi tàu cập cảng. Trường hợp thiết bị Movimar trên tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác để báo cáo vị trí tàu cá về Trung tâm giám sát của Tổng cục Thủy sản và Trạm bờ tại Chi cục Thủy sản với tần suất 6 giờ/lần và bắt buộc phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong vòng 10 ngày kể từ khi thiết bị Movimar bị hỏng. “Nếu các tàu cá không tuân thủ quy định này thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 800 triệu - 1 tỉ đồng”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, thời gian qua tình hình quản lí hoạt động tàu cá trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, an ninh ngư trường vùng biển được giữ vững. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra, nhất là khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà chủ yếu là tàu giã cào ngoại tỉnh lén lút khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ. Một số ngư dân vẫn sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản; chưa ghi nhật kí khai thác thủy sản đầy đủ, chưa đánh dấu tàu cá… đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và nguy cơ gây mất an toàn, an ninh, trật tự trong khai thác thủy sản trên biển. Trước tình hình đó, việc tăng cường quản lí hoạt động khai thác bằng hệ thống thiết bị giám sát hành trình hiện đại trên tàu cá là rất cần thiết. Cụ thể, theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt lộ trình này, bên cạnh việc lắp đặt thiết bị Movimar, Chi cục Thủy sản cũng đang phối hợp với các đơn vị như VNPT, Viettel, Vishipel triển khai lắp đặt thử nghiệm hệ thống quản lí tàu cá từ điện thoại vệ tinh, thiết bị giám sát S-Tracking… với các tiêu chuẩn thiết bị phù hợp và được ngư dân đánh giá khá cao; thử nghiệm nâng cấp Trạm bờ để nhận tin báo cáo tự động từ thiết bị VX1700 lắp trên tàu cá với tần suất 2 giờ/lần. “Hiện tại Chi cục Thủy sản đang cùng với các địa phương tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tuân thủ đúng quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tiếp tục rà soát lại số lượng tàu thuyền để lắp đặt đúng đối tượng; hướng dẫn chi tiết cho ngư dân và bổ sung các tính năng như dự báo ngư trường, thông tin gắn với lợi ích của ngư dân để ngư dân được hưởng lợi và yên tâm sản xuất”, ông Nam cho hay.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142000