Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT
PTĐT - Những năm gần đây, Cuộc vận động 'Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại' trở thành động lực phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) toàn tỉnh. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội đã thúc đẩy phong trào TDTT phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước góp phần vào thành tích chung của thể thao tỉnh Phú Thọ.

Sân vận động Việt Trì đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn.
PTĐT - Những năm gần đây, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trở thành động lực phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) toàn tỉnh. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội đã thúc đẩy phong trào TDTT phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước góp phần vào thành tích chung của thể thao tỉnh Phú Thọ.
Thời gian qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 05 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao” và Chỉ thị số 32 của Bộ VH-TT&DL về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao”. Nhờ đó phong trào TDTT toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ; các địa phương đều có hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.
Nhiều địa phương, đơn vị đã khắc phục khó khăn về diện tích sân chơi, bãi tập, chủ động đầu tư thiết bị, tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân tập luyện, thi đấu. Ông Nguyễn Tiến Đức - Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Tuy là một xã ven đô nhưng phong trào TDTT của xã thời gian qua rất phát triển, nhất là những môn thể thao quần chúng như bóng chuyền hơi, cầu lông. Hiện nay khu dân cư nào cũng có sân bóng chuyền hơi, các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ người dân và các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn. Phong trào TDTT lớn mạnh cũng nhờ làm tốt công tác xã hội hóa tại các khu dân cư, ước tính khoảng 250 triệu đồng/năm”. Dù nguồn ngân sách của nhiều địa phương còn hạn hẹp nhưng phong trào TDTT quần chúng đang ngày càng khởi sắc. Tại các huyện Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, nhiều xã có 100% khu dân cư thành lập được các đội bóng chuyền hơi nam - nữ; các nhà văn hóa đều có sân chơi thể thao, hàng năm xã tổ chức các trận thi đấu bóng chuyền, cầu lông, kéo co… giữa các khu dân cư. Tại xã Thượng Long-huyện Yên Lập, từ nguồn vốn xã hội hóa, trung bình mỗi khu dân cư dành khoảng 5 triệu đồng/năm cho hoạt động TDTT, nhờ đó đã tạo được sân chơi lành mạnh, nâng cao thể chất cho người dân, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.

Tại huyện Lâm Thao, các thiết chế thể thao có kinh phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng như bể bơi, công viên nước tại thị trấn Lâm Thao hay công trình sân vận động cỏ nhân tạo, bể bơi thuộc khu dân cư nông thôn mới xã Tứ Xã do Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô đầu tư. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng VH&TT huyện Lâm Thao cho biết: Các giải thể thao quần chúng từ cấp huyện cho tới cấp xã đều huy động các nguồn vốn xã hội hóa nhằm góp phần giảm “gánh nặng” cho ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đều rất ủng hộ phong trào TDTT và các giải thi đấu thể thao dưới nhiều hình thức. Ví dụ như trọng tài tại các giải thi đấu tại huyện, xã đều tự nguyện tham gia không cần kinh phí; các vận động viên thi đấu cũng trên tinh thần tự túc tập luyện. Nhờ đó, Lâm Thao luôn là huyện có số lượng vận động viên tham gia đông đảo và giành thành tích cao tại các giải phong trào như Việt dã Báo Phú Thọ- cúp Hùng Vương, Cây vợt trẻ Báo Phú Thọ- cúp VNPT; giải bóng đá nam phong trào tranh cúp Hùng Vương; giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng Cúp Truyền hình...

Phong trào bóng chuyền hơi tại xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng.
Phong trào TDTT học đường phát triển cũng nhờ một phần không nhỏ vào công tác xã hội hóa. Các trường học trên địa bàn tỉnh đều quan tâm đầu tư dụng cụ tập luyện đa dạng, phong phú, nhiều sân tập, nhà đa năng được sửa chữa, xây mới như Trường tiểu học Tứ Xã, huyện Lâm Thao xây dựng được nhà tập luyện thi đấu cầu lông với tổng diện tích hơn 320m2, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là gần 300 triệu đồng. Tại các trường học trên địa bàn huyện Thanh Sơn, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa đã huy động được khoảng 500 triệu đồng để đầu tư cho phong trào TDTT các trường trong huyện. Hiện nay, toàn huyện Thanh Sơn có 77 sân luyện tập, 39 sân bóng đá, 46 sân cầu lông, 56 sân bóng chuyền tại các trường học. Ông Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ TDTT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng là nền tảng quan trọng để phát hiện nhân tố mới cho thể thao thành tích cao của tỉnh. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đều quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao, nhiều đơn vị có đầy đủ các CLB bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, tennis để cán bộ, công nhân viên tham gia tập luyện. Năm 2018 đã có trên 12 tỷ đồng huy động từ xã hội hóa đầu tư cho các câu lạc bộ TDTT trên địa bàn tỉnh. Cũng từ nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh đã đầu tư sửa chữa và nâng cấp Khu Liên hiệp TDTT, đảm bảo cơ sở vật chất để thu hút các sự kiện thể thao lớn như: Trận thi đấu giao hữu quốc tế giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Myanmar; Giải bóng đá Quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Giải Bóng đá nam phong trào tỉnh Phú Thọ Cúp Hùng Vương, đăng cai bảng A giải hạng Ba bóng đá trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF); giải bóng đá thiếu niên…

Ngành Văn hóa, Thể thao đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thành công nhiều hoạt động TDTT nhân dịp lễ hội truyền thống, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh. Các hoạt động thi đấu TDTT được tổ chức lồng ghép với hoạt động văn hóa tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào TDTT của tỉnh hay các giải thi đấu thể thao luôn nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức xã hội ủng hộ dưới hình thức là nhà tài trợ như Bưu chính Viễn thông Phú Thọ (VNPT), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Phú Thọ, Ngân hàng BIDV Hùng Vương…Với những hoạt động phong phú, đa dạng, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh đã góp phần thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết cộng đồng, thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trong nhân dân ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh, cần mở rộng mô hình liên kết đào tạo VĐV như khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân mở các lớp đào tạo năng khiếu thể thao; lựa chọn các môn thể thao trọng điểm cần tập trung đầu tư để huy động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào công tác đào tạo và huấn luyện nhằm tạo sự đột phá về thể thao thành tích cao, thể thao mũi nhọn.
Phú Thọ hiện có 33 sân vận động, 65 sân bóng đá 11 người, 432 sân bóng đá mini, gần 1.700 sân cầu lông, 1.800 sân bóng chuyền, 92 nhà luyện tập và thi đấu đa năng cùng nhiều sân bóng rổ, quần vợt, bể bơi và trên 1.800 câu lạc bộ TDTT. Tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt gần 36% dân số, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao chiếm trên 28%.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/the-thao/201911/day-manh-xa-hoi-hoa-hoat-dong-tdtt-167969