Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc

Xã hội hóa là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Việc thu hút các cá nhân và tổ chức tham gia xây dựng phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện góp phần huy động những đóng góp của xã hội vào phát triển sự nghiệp thư viện.

Cần xã hội hóa từ thư viện

Theo báo cáo của đại diện Thư viện Quốc gia tại Hội thảo "Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc" do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 20/9, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc phải gồm các nội dung: Xã hội hóa trong truyền thông, quảng bá thư viện, tổ chức chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng chuyên môn, nguồn lực thông tin... Để thực hiện được những nội dung trên, các thư viện trong cả nước phải tăng cường công tác truyền thông; vận động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thư viện.

Thư viện là ngôi trường thứ hai rèn luyện văn hóa đọc cho sinh viên sau giảng đường. Xã hội hóa trong hoạt động thư viện là một trong những giải pháp tối ưu hỗ trợ thư viện phát triển đa dạng nguồn tài liệu, đào tạo nguồn nhân lực hay đầu tư trang thiết bị ngoài nguồn kinh phí từ nhà trường. Nhiều thư viện thực hiện xã hội hóa trong chuyển giao chuyên môn thông qua các hình thức tự đào tạo lẫn nhau qua các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hội thảo...

Mô hình thư viện thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Lương Hằng)

Mô hình thư viện thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Lương Hằng)

Bà Phạm Thu Hạnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ phong trào cơ sở Thư viện Hà Nội cho biết: Những năm qua, hệ thống thư viện Hà Nội có khoảng hơn 1 nghìn thư viện, tủ sách cơ sở thường xuyên được củng cố và phát triển mới. Mỗi thư viện khi mới thành lập đều được Thư viện Hà Nội hỗ trợ sách và các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, Thư viện Hà Nội thường xuyên mở các đợt khảo sát, kiểm tra hoạt động của các thư viện để có sự điều chỉnh kịp thời, đồng thời qua đó nắm được tình hình hoạt động của mỗi thư viện để có những định hướng phát triển cụ thể.

Xã hội hóa trong hoạt động thư viện là nhu cầu tất yếu, khách quan của quy luật phát triển xã hội đồng thời là chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập. Vì vậy để công tác xã hội hóa thư viện đạt kết quả tốt cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội thì sách mới đến được với đông đảo độc giả.

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh xã hội hóa, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện Việt Nam đã được hỗ trợ nhiều mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước.

Ngành thư viện đã xúc tiến một số dự án như trang bị xe ô tô lưu động đa phương tiện cho các địa phương để mang sách đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dự án mới triển khai nhưng số lượng người được thụ hưởng tăng rất nhanh. Dự án nâng cao việc sử dụng máy tính công cộng, trang bị sách cho trường học, thư viện cộng đồng... giúp người dân có thêm nguồn tài liệu phong phú.

Sự chung tay của xã hội

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định: Sự chung tay của xã hội đóng góp về trí tuệ, về công sức, tài chính sẽ thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Đó là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là một giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa đọc. Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh xã hội hóa, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện Việt Nam đã có được sự hỗ trợ nhiều mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành một mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước.

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã và đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Thông qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, để thúc đẩy xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc, cần thực hiện nhiều nội dung. Từ định hướng trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ngành Thư viện đã xúc tiến một số dự án như: Trang bị xe ô tô lưu động đa phương tiện cho các địa phương để mang sách đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tuy mới triển khai nhưng số lượng người được thụ hưởng rất nhiều; dự án nâng cao việc sử dụng máy tính công cộng, trang bị sách cho trường học, thư viện cộng đồng... để có thêm nguồn tài liệu phong phú.

Xã hội hóa các hoạt động thư viện được xem là biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà công tác thư viện, nhất là thư viện cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang gặp khó khăn về kinh phí, chế độ chính sách đầu tư nhằm phát triển văn hóa đọc.

Để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Bộ Thông tin truyền thông về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện.

Bên cạnh đó, Vụ Thư viện còn phối hợp với các cơ quan tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xã hội hóa thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng ngàn cuốn sách có giá trị, trang thiết bị thư viện từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân... Vụ Thư viện làm đầu mối nhận và trao tặng lại các nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ sự tài trợ từ các nguồn xã hội hóa, bộ mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi, cơ sở vật chất và việc triển khai công nghệ mới được tăng cường.

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã và đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Thông qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, việc đẩy mạnh xã hội hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-xa-hoi-hoa-nham-phat-trien-van-hoa-doc-96957.html