Đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện bệnh nhân COVID-19
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc (tầm soát) đối với các đối tượng nguy cơ có ý nghĩa quan trọng, qua đó nắm bắt được các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, khẩn trương khoanh vùng, giám sát, cách ly và điều trị, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và kịp thời có các phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả, góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Tại tỉnh Ninh Bình, với thuận lợi là ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện, đầu năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã quyết định đầu tư hệ thống máy xét nghiệm khẳng định COVID-19, giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh quản lý và hoạt động. Hiện nay, đã có thêm 2 phòng xét nghiệm COVID-19 hiện đại tại Bệnh viện Sản-Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bước đầu đi vào hoạt động, phần nào chủ động được công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác xét nghiệm cũng đã khẩn trương đào tạo các kỹ thuật viên, cử nhân xét nghiệm, bằng nhiều hình thức đào tạo, như trực tiếp, trực tuyến, cầm tay chỉ việc, học hỏi lẫn nhau... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn chục các kỹ thuật viên, có thể thay ca nhau làm công tác xét nghiệm, với bình quân mỗi ngày hoàn thành trên dưới 3 nghìn mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, đạt tiêu chuẩn chính xác 100%.
Với những thuận lợi về máy móc và con người, tỉnh Ninh Bình có thể chủ động và làm chủ việc lấy mẫu và xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2, không phải gửi lên tuyến Trung ương thực hiện. Đặc biệt, các mẫu xét nghiệm được lấy và luân chuyển thực hiện theo đúng thời gian, quy định, không để các mẫu quá hạn, hết hạn phải lấy lại, làm cơ sở cho việc phân loại, sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao trong phòng chống dịch COVID-19 thời điểm hiện nay.
Theo báo cáo của ngành Y tế Ninh Bình, tính từ đợt dịch thứ 4 ngày 27/4 đến nay, số mẫu xét nghiệm được lấy là gần 170 nghìn mẫu, gấp gần 4 lần tổng số mẫu xét nghiệm được lấy từ đầu dịch năm 2020 đến ngày 26/4/2021. Việc lấy mẫu xét nghiệm khẩn trương, nhanh chóng, góp phần quản lý, giám sát, cách ly đối với các trường hợp liên quan đến ca bệnh, các trường hợp về từ vùng dịch, vùng phong tỏa, giãn cách, tạo điều kiện cho BCĐ phòng chống dịch COVID-19 các cấp chủ động với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, ngành Y tế các địa phương thường thực hiện 2 phương pháp xét nghiệm, gồm xét nghiệm sinh học phân tử bằng phương pháp PCR (xét nghiệm chậm) và xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm nhanh). Các xét nghiệm PCR và test nhanh kháng nguyên đều sử dụng dịch hầu họng và dịch mũi, hiện đang được sử dụng trên toàn cầu để chẩn đoán các trường hợp nhiễm COVID-19.
Lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn huyện Kim Sơn
Đối với xét nghiệm nhanh kháng nguyên có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 15-30 phút và có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm. Mặc dù phương pháp test nhanh này không phải là xét nghiệm khẳng định như phương pháp xét nghiệm PCR, nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan mạnh như hiện nay, đây được coi là giải pháp phù hợp, kịp thời, góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ, kịp thời khoanh vùng, cách ly và khống chế dịch bệnh.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt trên địa bàn huyện Kim Sơn ngày 26/8 đã xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Bệnh nhân này được phát hiện khi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho cộng đồng nguy cơ cao, bằng phương pháp Realtime RT-PCR. Đồng thời, ngày 30-31/8, trên địa bàn huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã xuất hiện các ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng với quy mô lớn hàng chục người nhiễm bệnh.
Đây lại là 2 địa phương giáp ranh với huyện Kim Sơn, đòi hỏi công tác phòng chống dịch càng phải được triển khai và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, không để lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào huyện, vào tỉnh. Do đó, ngành Y tế cần khẩn trương rà soát, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng liên quan đến các ổ dịch, vùng dịch.
Đối với ổ dịch tại xóm 9, xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn), lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lần 2 cho toàn bộ người dân sống trong vùng phong tỏa. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho những người chưa được lấy mẫu sống trong vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16.
Triển khai lấy mẫu lần 2 cho những đối tượng nguy cơ cao (người có triệu chứng, người có diện tiếp xúc rộng). Mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân sống trong vùng lân cận vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, đặc biệt lưu ý những người có triệu chứng, có diện tiếp xúc rộng, thường xuyên ra vào vùng phong tỏa và vùng thực hiện Chỉ thị số 16 trước đó.
Đối với người đi/về từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, thông báo cho toàn thể nhân dân khai báo, phát hiện và rà soát toàn bộ người đi/về từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ ngày 18/8/2021. Ưu tiên rà soát, phát hiện khẩn trương những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đi/về từ ổ dịch hoặc đến các địa điểm nguy cơ liên quan đến 2 ổ dịch này.
Ngành Y tế Ninh Bình chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xét nghiệm sàng lọc cho người dân sống ở vùng giáp ranh với huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và những người đi về từ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người này theo phương pháp gộp mẫu, ưu tiên người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, người thường xuyên tiếp xúc với người dân các huyện Nga Sơn, Hải Hậu.
Với việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, nơi nguy cơ cao, thực hiện giãn cách xã hội, sẽ là cơ sở và điều kiện quan trọng để các địa phương, đặc biệt là huyện Kim Sơn sớm phát hiện các trường hợp mắc bệnh, chủ động khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ và không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Bài, ảnh: Hạnh Chi