Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản: Tạo thị trường bền vững
Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch, liên kết sản xuất theo chuỗi...; thành phố Hà Nội đã, đang tập trung nhiều hơn cho hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì hoạt động này càng cần đẩy mạnh nhằm không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất tìm kiếm thị trường, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu nông sản, mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp với nhiều đơn vị giới thiệu sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu sản phẩm gạo Bắc thơm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Quang Thái
Những kết quả tích cực
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu “Gạo thơm Bối Khê”, hợp tác xã được hỗ trợ tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như các hội chợ, hội nghị về kết nối, giới thiệu sản phẩm… Qua đó, hợp tác xã đã liên kết được với các doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định sản phẩm lúa gạo của nông dân, riêng năm 2020 tiêu thụ được 4.500 tấn gạo các loại.
Tương tự, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (quận Hà Đông) Trần Minh Đức cho biết: “Công ty đã liên kết với nông dân phường Dương Nội (quận Hà Đông) xây dựng mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản theo công nghệ GlobalGAP. Tham gia các hội chợ, sự kiện thương mại, công ty đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn, một số siêu thị trên địa bàn, bước đầu tiêu thụ được 21 tấn sản phẩm; đang làm thủ tục xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản…”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đổi mới về cả phương thức lẫn quy mô các hoạt động xúc tiến thương mại; đồng thời lắng nghe những ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ của doanh nghiệp, người sản xuất để có giải pháp khơi thông, kết nối nông sản với thị trường tiêu thụ. “Sở đã phối hợp với nhiều hội, đoàn thể phổ biến các quy định về sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm cho nông dân; nâng cao kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn, giới thiệu các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến người tiêu dùng”, ông Tạ Văn Tường chia sẻ.
Hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả tích cực cho tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn theo ông Tạ Văn Tường: "Thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động xúc tiến thương mại nông sản thời gian qua còn không ít những hạn chế như: Hoạt động dàn trải; nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa hiểu rõ về vai trò của xúc tiến thương mại… Do đó, việc ký kết các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với người sản xuất thông qua hoạt động xúc tiến thương mại chưa được nhiều".
Các doanh nghiệp cần phối hợp phát triển kênh bán hàng trực tuyến để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua nông sản qua kênh bán hàng trực tuyến. Ảnh: Đỗ Tâm
Thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại
Từ những vấn đề nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, để xúc tiến thương mại nông sản đạt kết quả tốt, trước hết, phải có sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng cung ứng ra thị trường.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Năm 2021, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường nắm thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng, đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ, qua đó, định hướng, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất ra sản phẩm đủ số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, tránh việc gieo trồng ồ ạt, thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó khăn cho đầu ra”.
Bên cạnh đó, tổ chức các hội chợ, tuần lễ giới thiệu nông sản vẫn là giải pháp tối ưu của hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên việc này phải gắn với nhu cầu thực tế từ thị trường, phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Việc tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cũng sẽ có những đổi mới. Ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, năm nay, ngành Nông nghiệp tập trung giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP và đặc biệt là tổ chức hội chợ nông sản theo mùa vụ. Ví dụ, mùa đông, ngành sẽ có hình thức giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả, hoa; vụ xuân ưu tiên mặt hàng rau, củ...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phân phối sản phẩm. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị hỗ trợ hình thành các kênh bán hàng trực tuyến, điều này rất cần thiết trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi dịch Covid-19. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức các gian hàng nông sản tại địa điểm đông dân cư, các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn thành phố để hỗ trợ tiêu thụ.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho rằng, so với việc bán hàng thông qua các kênh truyền thống, ở các khu dân cư, bán hàng trực tuyến có nhiều lợi thế, giúp các công ty hình thành được mạng lưới bán hàng đa dạng, phù hợp với sự phát triển hiện nay...
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu..., từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong những bối cảnh “bất khả kháng” như dịch Covid-19, chuỗi tiêu thụ nông sản ổn định còn góp phần giảm thiệt hại cho người sản xuất. Với những giải pháp cụ thể của ngành Nông nghiệp, thị trường nông sản Hà Nội sẽ bền vững, nâng cao được giá trị.