Dạy môn Tin học cấp tiểu học thiếu cả giáo viên và máy tính
Môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dạy bắt buộc với lớp 3 được gần một học kỳ.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng thiếu giáo viên và máy tính để dạy – học vẫn hiện hữu ở nhiều cơ sở giáo dục.
Giáo viên đi mượn, máy tính học nhờ
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về thực trạng trên đến cấp có thẩm quyền. Được biết, sang học kỳ II, phòng GD&ĐT sẽ điều động giáo viên Tin học cấp THCS xuống dạy tăng cường. Còn phòng máy học thực hành, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh sang trường THCS trên địa bàn xã để học nhờ” – cô Yến thông tin.
Với hơn 900 học sinh, trong đó có gần 200 học sinh lớp 3, được chia thành 4 lớp, Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) cần tối thiểu 20 máy tính để dạy học thực hành và 1 giáo viên Tin học. Tuy nhiên, cô Hiệu trưởng Phan Thị Hải Yến cho hay, dù năm học 2022 – 2023 đã đi được gần nửa chặng đường nhưng nhà trường vẫn chưa có giáo viên Tin học. Không chỉ “trắng” giáo viên bộ môn này, nhà trường còn chưa có phòng máy tính để tổ chức dạy học cho học sinh. Đây là lý do chính khiến Trường Tiểu học Hải Hà chưa thể triển khai dạy học môn Tin học.
Khá hơn một chút, Trường PTDTBT Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) hiện có 35 bộ máy tính để dạy học thực hành cho học sinh, song lại chưa có giáo viên chuyên trách môn Tin học. Từ đầu năm học đến nay, thầy Hiệu trưởng Cao Duy Chương phải trực tiếp đứng lớp dạy bộ môn này cho 80 học sinh lớp 3.
Việc kiêm nhiệm này cũng khiến thầy – trò gặp không ít khó khăn trong quá trình dạy – học. Thầy Chương kể, do không được đào tạo chuyên ngành sư phạm Tin học nên việc lên lớp dạy học sinh là từ kinh nghiệm của bản thân. Vì dạy “trái tay” nên thầy Chương nhận thấy, chất lượng dạy – học có thể không như mong muốn. “Song, trong hoàn cảnh này thì đó giải pháp hữu hiệu trong khi chờ bổ sung giáo viên Tin học cho trường” – thầy Chương bộc bạch.
Các địa phương cần chủ động
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Giang, năm học 2022 – 2023, tỉnh thiếu gần 100 giáo viên Tin học. Toàn tỉnh có 88/218 trường tiểu học có phòng tin học. Đơn cử như huyện Mèo Vạc, đầu năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 1 giáo viên Tin học cấp tiểu học. Vì thế, việc dạy – học bộ môn này ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng GD&ĐT Mèo Vạc cho hay, thời gian qua, phòng đã thực hiện nhiều giải pháp để bổ sung, tăng cường giáo viên Tin học cho các trường tiểu học trên địa bàn. Với các giải pháp tình thế, đến thời điểm hiện nay, các trường của huyện Mèo Vạc đã cơ bản khắc phục được việc bố trí giáo viên đứng lớp dạy Tin học cho học sinh lớp 3. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục lại đang đối diện với tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị máy tính chưa đủ để tổ chức dạy – học.
Đại diện sở GD&ĐT Yên Bái cho hay, đến năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh cần 434 giáo viên để dạy Tin học từ lớp 3 đến lớp 9. So với số hiện có, tỉnh thiếu 285 giáo viên. Tương tự, tỉnh Lai Châu có 28 phòng tin học. So với nhu cầu, tỉnh này còn thiếu khoảng 95 phòng và hơn 3.000 máy tính và 78 giáo viên. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh có 353 phòng học tin học, còn thiếu 407 phòng với hơn 13.000 máy tính.
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, hiện cả nước có hơn 8.000 giáo viên Tin học cấp tiểu học trong biên chế. Số giáo viên này hoàn toàn đáp ứng được việc dạy tin học trong năm học 2022 - 2023, khi môn học này bắt buộc ở lớp 3. Đến năm học 2024 – 2025, cả nước cần tuyển thêm 6.621 giáo viên Tin học để dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học.
Để bảo đảm có giáo viên Tin học cấp tiểu học dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động nguồn tuyển dụng. Đặt hàng với cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên Tin học. Ngoài ra, các địa phương có thể đặt hàng đào tạo liên thông lên trình độ đại học sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Tin học. Cùng với đó, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành Tin học có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học...
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu đào tạo theo đề xuất của các địa phương. Địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với cơ sở đào tạo giáo viên nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng theo cơ cấu môn học và nhu cầu của địa phương; trong đó có môn Tin học.
“Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, nhằm tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác” – ông Đức trao đổi.
Hai điều kiện tối thiểu, tiên quyết để dạy học Tin học là giáo viên và máy tính. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương cả hai điều này đều thiếu khiến việc dạy – học của thầy gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ 2022 đến năm 2026, ngành Giáo dục được bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Riêng năm học 2022 - 2023, các địa phương được giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đây là kết quả rất tốt trong việc phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Biên chế được giao, vấn đề còn lại do sự chủ động của mỗi địa phương.