Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh hết sức quan tâm, tạo điều kiện nên tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực này hằng năm tăng rất mạnh.
Những năm qua, Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn (LĐNT).
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có 38.750 LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề, 32.116 người có việc làm. Ước tính giai đoạn 2016-2020, có 18.184 LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề, 16.009 người có việc làm. Qua đó, nâng tỷ lệ LĐNT qua đào tạo của tỉnh từ 41% (năm 2010) lên 72% (năm 2019), ước năm 2020 đạt 75%. Đây là số liệu mới nhất do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp.
Đạt kết quả trên là do tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai công tác đào tạo nghề, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề cho LĐNT... Giai đoạn 2010-2016, tỉnh đã đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị dạy nghề cho 11cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 923 giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT được tăng cường, giai đoạn 2016-2020 đã tổ chức 2.754 lượt kiểm tra, giám sát tại các lớp học nghề.
Hải Dương hiện có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2011-2019, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã mở 252 lớp đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho 8.810 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật ngắn hạn, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Tạo nhiều việc làm mới
Theo ông Đặng Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, các học viên sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng hiệu quả kiến thức kỹ thuật vào sản xuất. Với nghề may công nghiệp, học viên được trung tâm giới thiệu đến các doanh nghiệp hoặc các xưởng gia công làm việc. Sau khi học nghề, nhiều lao động tự tạo việc làm và xây dựng một số mô hình câu lạc bộ, tổ nhóm liên kết sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến các câu lạc bộ nuôi thủy sản tại các xã Hùng Thắng (Bình Giang), Hồng Hưng (Gia Lộc); mô hình chăn nuôi gà lai chọi ở xã Gia Lương (Gia Lộc), phường Văn An (Chí Linh), thị trấn Nam Sách…
Chị Nguyễn Thị Hái ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) sau khi được đào tạo nghề may công nghiệp đã mở xưởng may gia công găng tay với 20 máy, tạo việc làm cho 25lao động có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Mạc Thị Lâm ở thị xã Kinh Môn sau khi được học nghề may công nghiệp đã mua máy may, mở xưởng tại địa phương. Các cơ sở này còn là nơi đào tạo nghề, thực hành cho nhiều LĐNT khác. "Từ năm 2017 đến nay, tôi đã đầu tư 3,5 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất, chuyên may túi xách thân thiện với môi trường, xuất khẩu sang một số nước. Xưởng may đang tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên, thu nhập từ 5-6triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn 30 lao động thời vụ", chị Mạc Thị Lâm cho biết.
Dù vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn những hạn chế do nhiều hộ thiếu vốn, tư liệu sản xuất. Sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ... Theo chính sách của Đề án 1956, mỗi LĐNT chỉ được hỗ trợ đào tạo nghề một lần, trong khi thực tế nhiều người có nhu cầu học nhiều nghề.
Theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tiếp tục triển khai hiệu quả đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021-2030. Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở các cấp và đội ngũ giảng dạy…