Dạy nghề trồng cây ăn quả cho nông dân
ĐBP - Trồng cây ăn quả không phải là việc lạ lẫm với nông dân xã Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ), song trồng như thế nào để đem lại hiệu quả kinh tế, theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập phát triển kinh tế hộ bền vững lại không phải chuyện đơn giản. Vì vậy, khi khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn xã rất nhiều nông dân đăng ký học nghề trồng cây ăn quả, bởi lẽ đều mong muốn học để làm nghề và mở hướng đi mới trong làm kinh tế.
Trồng chanh leo hàng hóa là một trong những hướng phát triển kinh tế tăng thu nhập của nông dân xã Nà Nhạn, TP. Ðiện Biên Phủ.
Trao đổi với chúng tôi về phương pháp dạy nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nông dân xã Nà Nhạn được tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), cho biết: Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, trong thời gian 2 tháng, học viên được giới thiệu, tìm hiểu về giá trị kinh tế của một số loại cây ăn quả, như: Bưởi, xoài, nhãn, cam.... Chúng tôi hướng dẫn bà con phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây; cách thu hoạch và bảo quản nông phẩm. Ðể bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng vào trồng trọt, kiến thức lý thuyết trao đổi với học viên ngắn gọn nhưng đầy đủ; đồng thời tổ chức cho học viên thực hành ngay tại vườn từ khâu làm đất đào hố, chuẩn bị phân bón, xuống giống tới việc chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây ăn quả theo từng thời kỳ sinh trưởng. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia lớp học, chúng tôi tổ chức lớp học từ 3 - 6 giờ chiều hàng ngày, vì vậy không ảnh hưởng tới thời gian lao động, học viên tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động thực hành theo yêu cầu của bài giảng.
Ông Lò Văn Kim (bản Huổi Hẹ) học viên lớp học cho biết: Gia đình tôi cũng như các hộ khác trong bản khi trước đều trồng một vài loại cây ăn quả nhưng số lượng ít, không trồng tập trung, chủ yếu để sử dụng là chính. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2019 tôi mua hơn 500 cây bưởi Diễn về trồng với mong muốn phát triển theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập. Chính vì vậy, tôi đăng ký học nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả để có kiến thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Nhờ học nghề tôi hiểu tầm quan trọng của việc tưới nước cho cây trồng; mức độ, liều lượng tưới như thế nào là phù hợp, thời điểm tiến hành xới xáo, vun gốc; cách bón thúc phân và số lần cần bón phân trong năm cho cây trồng; bón phân ở thời kỳ thu hoạch để bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt trong đất...
Bằng các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển kinh tế, vài năm gần đây nông dân xã Nà Nhạn được cấp khá nhiều loại giống cây ăn quả, như: Xoài, bưởi, đào... Chính vì vậy việc tham gia lớp học nghề trồng cây ăn quả rất ý nghĩa với nông dân trong việc trang bị kiến thức chăm sóc, phòng trừ sâu hại trên cây trồng và thu hoạch sản phẩm. Gia đình ông Lò Văn Tiên, bản Huổi Hẹ trồng 1ha đào đỏ đến tầm tháng 8 năm nay có thể ghép mận trên tổng diện tích gần 1ha. Diện tích này trước vốn chỉ trồng lúa 1 vụ nhưng năng suất thấp, bấp bênh vì đất khô cằn lại không có nước. Học nghề sẽ giúp ông thực hiện kỹ thuật ghép đảm bảo thành công hơn chỉ làm bằng kinh nghiệm... Và ngày càng nhiều hơn số hộ trên địa bàn học nghề nông nghiệp theo nhu cầu, sát với điều kiện phát triển kinh tế hộ giúp bà con có thêm cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập.
Ông Quàng Văn Ðức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nà Nhạn cho biết: Ðất đai rộng rãi là lợi thế để nông dân trong xã phát triển nghề trồng các loại cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Cùng với việc hỗ trợ giống cây ăn quả thì việc được học nghề giúp bà con có kiến thức để mạnh dạn mở rộng diện tích trồng, tạo nông sản an toàn, chất lượng nhằm tăng thu nhập phát triển kinh tế hộ, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục định hướng để nông dân phát triển một số loại cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với sản xuất sạch, nông sản an toàn nhằm tạo dựng “thương hiệu” để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.