Đẩy nhanh dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ.
Theo Bộ GTVT, dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ làm tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP.HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Chỉ mất 45 phút về miền Tây
Mới đây, bộ trưởng Bộ GTVT quyết định giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Kinh phí lập báo cáo được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hằng năm. Thời gian thực hiện việc lập báo cáo là từ năm 2021 đến 2022.
Theo quy hoạch, tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ đường 1.435 mm, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Dự kiến khi tuyến đường sắt hoàn thành, từ TP.HCM đến TP Cần Thơ tàu chỉ chạy mất 45 phút.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga An Bình (Bình Dương) đi qua các tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối là TP Cần Thơ. Hướng tuyến tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM và bốn tỉnh miền Tây. Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỉ USD.
Tuyến đường sẽ giải quyết tình trạng ứ đọng, giúp liên kết vùng, phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội. Tuyến đường sắt có tổng mức đầu tư lớn, song sẽ thành công nếu Nhà nước và doanh nghiệp cùng quyết tâm làm.
TS PHẠM HÙNG, Phó Phân viện trưởng
Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam
Trước đó, năm 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 173 km với 14 ga. Tuy nhiên, theo đề xuất của Viện Khoa học công nghệ Phương Nam và Công ty Tư vấn giao thông phía Nam, tuyến được rút ngắn còn hơn 139 km với chín ga. Tuyến sẽ chạy song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.
Sở dĩ có việc điều chỉnh này là do năm tỉnh, thành có đường sắt đi qua đã thống nhất phương án trên. Từ đó, tuyến mới sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng và giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga. Đặc biệt, việc điều chỉnh trên còn giúp giảm chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo 17.000 tỉ đồng.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường TP.HCM, Trưởng bộ môn Đường sắt metro, Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho biết hiện có hai nhà đầu tư quan tâm tới dự án này, một của Mỹ và một của Canada.
Các đơn vị đánh giá cao hiệu quả đầu tư tuyến đường vì nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên TP.HCM là rất lớn. Thậm chí, nhu cầu này sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Phương thức giao thông duy nhất còn thiếu
Ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng để xét đến hiệu quả kinh tế của tuyến đường sắt này thì phải xem cách tiệm cận phát triển vùng, liên vùng TP.HCM - ĐBSCL. Hiệu quả tài chính của dự án phải do đơn vị tư vấn lập báo cáo chi tiết toàn dự án mới có thể đánh giá được.
Có ba lý do khẳng định tính tất yếu của dự án. Thứ nhất, tuyến đã nằm trong quy hoạch phát triển giao thông nhiều năm nay. Thứ hai, tuyến đường sắt là phương thức giao thông duy nhất còn thiếu ở ĐBSCL. Thứ ba, giao thông đường sắt vẫn là phương thức chọn lựa của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của tuyến phải đáp ứng điều kiện là chọn được phương thức, cách thức đầu tư để không tạo gánh nặng nợ công và đè lên sức dân, doanh nghiệp bằng phí thu nặng nề. Hiệu quả mang lại sẽ càng tăng mạnh khi kết hợp với các phương thức giao thông khác như đường thủy (thế mạnh ĐBSCL), bộ, biển, hàng không, đồng thời các hình thức giao thông cần kết hợp phát triển không gian, quỹ đất đô thị, khu, cụm công nghiệp hiệu quả, lựa chọn nhà đầu tư, nguồn vốn...
Không chỉ vậy, khu vực chín ga đường sắt sẽ được quy hoạch thành chín đô thị mới với cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, các địa phương xung quanh tuyến sẽ được hưởng lợi và chúng ta có thể khai thác quỹ đất xung quanh các ga để huy động nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cũng đánh giá cao dự án này. Theo TS Phạm Hùng, Việt Nam muốn cất cánh thì cần phải có tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Lý do là lượng hàng xuất nhập khẩu từ ĐBSCL về TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất lớn. Trong khi đó, nhiều năm nay giao thông đường bộ đã quá tải, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Thậm chí khả năng cạnh tranh bị giảm. Do đó, các dự án liên quan đến miền Tây làm càng chậm thì khả năng cất cánh càng khó.
“Việc triển khai dự án này thực sự cần thiết. Đây là tuyến đường tốc độ cao nên cần nghiên cứu dự án thật kỹ từ tốc độ đến tổng mức đầu tư” - TS Phạm Hùng nói.
Do đó, ngay từ bây giờ Nhà nước cần quan tâm tới chính sách kêu gọi đầu tư lợi thuận để thu hút tư nhân vào đầu tư. Trong đó, các trạm dừng chân, quy hoạch quỹ đất quanh nhà ga cần được chú trọng để thu hút các nhà đầu tư. Đây là nguồn lực để đầu tư dự án.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/day-nhanh-du-an-duong-sat-tphcm-can-tho-962332.html