Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Kịch bản quen thuộc chậm giải ngân vốn đầu tư công một lần nữa tái diễn khi kết thúc 7 tháng của năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn ở mức thấp.

Thi công Dự án Kè sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh:P.Tùng

Thi công Dự án Kè sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh:P.Tùng

Trước thực tế này, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công bởi đây là giải pháp cực kỳ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Cách xa mục tiêu

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 19,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó vốn kế hoạch giao năm 2024 là hơn 15,1 ngàn tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện là hơn 4,1 ngàn tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, tính đến cuối tháng 7-2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh là hơn 5,4 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 28% kế hoạch năm.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 31-7, trên địa bàn tỉnh có 13 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn 0%.

Trước đó, vào đầu năm 2024, tại hội nghị ký kết thi đua giữa các chủ đầu tư, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, các đơn vị đã ký cam kết trong 6 tháng đầu năm sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Như vậy, với kết quả giải ngân vốn tính đến hết tháng 7 còn cách rất xa so với mục tiêu mà các đơn vị chủ đầu tư đã ký từ đầu năm. “Theo kết quả thì chỉ có 5 đơn vị giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn khi kết thúc 6 tháng đầu năm” - ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay.

Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, nguyên nhân chính vẫn là khó khăn khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Theo thống kê, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được bố trí đến 40% trong tổng vốn đầu tư công năm 2024. Tuy nhiên, hiện nay có đến 72 trên tổng số 78 dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đánh giá về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng của năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn so cùng kỳ năm 2023, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn thấp hơn mức bình quân chung 34,6% kế hoạch của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng cho biết thêm, tính đến cuối tháng 7, trong Vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ giải ngân vốn của Đồng Nai đứng thứ 3, nhưng tính trên phạm vi cả nước, Đồng Nai hiện đang đứng thứ 53 trên tổng số 63 tỉnh, thành. “Mới đây trong chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.

Tránh tình trạng sợ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công

Với số vốn còn lại khoảng 14 ngàn tỷ đồng trong khi thời gian còn lại của năm 2024 là không nhiều, áp lực công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với các đơn vị chủ đầu tư thời gian tới là rất lớn.

Công nhân thi công Dự án Xây dựng Kè sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu.

Công nhân thi công Dự án Xây dựng Kè sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu.

Là đơn vị chủ đầu tư được bố trí nguồn vốn hơn 2 ngàn tỷ đồng trong năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh là đơn vị được bố trí nguồn vốn đầu tư công lớn nhất của tỉnh trong năm 2024.

Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết đến nay, đơn vị đã giải ngân hơn 24% kế hoạch vốn. Quá trình triển khai các dự án, vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn. “Chúng tôi cũng mong muốn các địa phương hỗ trợ thêm đối với công tác giải phóng mặt bằng. Có mặt bằng mới có thể thi công để giải ngân vốn” - ông Nguyễn Linh cho biết.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng cho biết, cùng với việc phối hợp với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị cũng sẽ đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực để thi công các dự án, tăng tỷ lệ giải ngân vốn.

Nhấn mạnh thời gian còn lại của năm 2024 là không nhiều, trong khi nguồn vốn cần giải ngân còn lại rất lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các sở, ngành, các chủ đầu tư, các địa phương được giao vốn đầu tư công năm 2024 phải rà soát, đánh giá và tự phân tích nguyên nhân, hạn chế và đề ra biện pháp thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Xem đây là tiêu chí xếp loại hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

Các đơn vị chủ đầu tư xây dựng lại đường găng giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình từ nay đến cuối năm để theo dõi, đôn đốc tiến độ giải ngân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đặc biệt, các đơn vị chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát tiển kinh tế địa phương. Do đó, các đơn vị phải tập trung tối đa công tác này. Cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất từng đơn vị, từng cán bộ đối với nhiệm vụ chính trị của tỉnh. “Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm. Khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-19e4f34/