Đẩy nhanh hỗ trợ lao động Đồng Nai bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân tỉnh Đồng Nai. Nhiều lao động chưa kịp gượng dậy từ những đợt dịch trước thì nay cuộc sống càng thêm muôn vàn khó khăn.
Chia sẻ khó khăn với người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng triển khai thực hiện, cố gắng hỗ trợ cho người lao động tự do trong thời gian sớm nhất.
Người lao động tự do chật vật với cuộc sống
Vợ sức khỏe yếu, chồng bị khiếm khuyết một phần thân thể, gia đình anh Phạm Đình Hiếu (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chỉ biết bán vé số mưu sinh qua ngày. Trước đây, ngày nào vợ chồng cũng kiến được 200.000 - 300.000 đồng từ tiền bán vé số, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, địa phương thực hiện giãn cách xã hội hơn một tháng nay, không có thu nhập, gia đình anh chỉ gắng gượng qua ngày. Thực đơn trong bữa cơm của gia đình chủ yếu là muối mè, mì tôm. Hôm nào được nhà hảo tâm hỗ trợ đồ ăn thì hôm đó gia đình được cải thiện một chút.
Để giúp người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2379 về thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng. Đây là lần thứ 2, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Trương Văn Tuấn, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cho biết, dịch COVID-19 khiến nhiều lao động tự do giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Thắt chặt chi tiêu, nỗ lực tìm việc làm mới là điều ai cũng nghĩ tới nhưng trong những ngày giãn cách xã hội, việc ít, người mất việc quá đông. Vì vậy Nhà nước hỗ trợ là điều rất đáng quý, giúp người dân vượt qua đại dịch và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Đơn giản hóa thủ tục để người dân sớm nhận được hỗ trợ
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, rút kinh nghiệm từ lần chi trả đợt 1 (gói 62.000 tỷ đồng năm 2020), trong lần thứ 2 này, đối tượng được hưởng trợ cấp đã được UBND tỉnh cụ thể hơn và thủ tục xác minh cũng được tinh giản, phù hợp với thực tế. Điều này tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Kim Bích Huyên, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Biên Hòa, cho biết, so với lần chi trả hỗ trợ trước, việc thực hiện Nghị quyết lần này thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình lập hồ sơ, người dân không cần phải xác minh nơi ở thường trú. Hồ sơ cũng đơn giản hơn nhiều, dễ dàng trong việc kê khai, giảm bớt xác nhận của nhiều nơi, chỉ cần cam kết đúng đối tượng và được nhận hỗ trợ 1 lần.
Theo ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai), thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nhanh nhất có thể, rà soát đầy đủ, kịp thời nhất các đối tượng. Do vậy, quy trình xác định đối tượng trong việc chi trả đơn giản hơn, sẽ không còn phải xác nhận trong trường hợp người lao động không có nơi thường trú tại Đồng Nai. Đồng thời các địa phương đi rà soát đối tượng cũng phải phù hợp với tình hình diễn biến công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay của từng địa phương. Từ đó, cán bộ địa phương đến tận nơi phát cho người dân trong trường hợp người dân đang trong vùng phong tỏa.
Về cách thức chi trả, các địa phương có thể linh động chi trả cho người dân bằng hình thức chuyển khoản, chi tiền mặt trực tiếp, cán bộ khu phố đến phát từng nhà cho các hộ dân, hoặc nhận qua bưu điện. Đó là tất cả những phương thức làm sao để người dân có thể thuận lợi nhất trong việc nhận hỗ trợ. Dự kiến từ khi tiếp nhận đơn của các đối tượng thuộc diện hỗ trợ đến khi giải ngân mất tối đa 15 ngày.
Ngoài đơn giản hóa thủ tục, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ theo trình tự, thủ tục; không để chồng chéo, chậm tiến độ. Đồng thời, việc thực hiện chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, chống trùng lặp, không để sót đối tượng và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm hoặc gây khó khăn cho các đối tượng.
Đến ngày 17/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho trên 48.000 người lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch với số tiền trên 72 tỷ đồng.