Đẩy nhanh lập danh mục công trình điện lực khẩn cấp
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Điện lực trình trước thời hạn, khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp kịp thời đáp ứng các nhu cầu cấp bách, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho giai đoạn 2026-2030.
Kịp thời đáp ứng các nhu cầu cấp bách
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì ngày 23/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Viện Năng lượng xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện đề án, đảm bảo một quy hoạch điện lực bền vững, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sau gần 3 giờ làm việc, ngoài báo cáo của Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn, đã có 24 ý kiến đại diện cho bộ, ngành địa phương phát biểu.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nhìn chung các ý kiến đồng thuận về đề án. Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp thu các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện đề án và báo cáo Thường trực Chính phủ trong phiên họp ngày 25/2 để Chính phủ cho ý kiến thông qua quy hoạch trước ngày 28/2/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương và các ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Công Thương và sự trao đổi thẳng thắn có trách nhiệm của các đại biểu với mong muốn Quy hoạch điện VIII sớm được thông qua để làm cơ sở triển khai.
Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp này và phiên họp thẩm định trước đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ban soạn thảo, đặc biệt là cơ quan chủ trì Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Điện lực trình trước thời hạn, tốt nhất trong ngày 25/2.
Khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định của Luật Điện lực, kịp thời đáp ứng các nhu cầu cấp bách, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho giai đoạn 2026-2030.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định của Luật Điện lực.
Theo Phó Thủ tướng, việc lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải bảo đảm đúng quan điểm mục tiêu nguyên tắc của quá trình lập quy hoạch được nêu tại Quyết định 1710, ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tầm nhìn dài hạn, có hiệu quả bền vững, trong đó đặt tổng thể lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Khai thác hết tiềm năng của các địa phương nhưng phải bảo đảm sự tối ưu của tổng thể các yếu tố và lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ lưỡng việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng để tăng khả năng mua điện từ Lào. Đồng thời thực hiện mục tiêu net zero, trung carbon đến năm 2050.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Viện Năng lượng phân tích và làm rõ các giải pháp bảo đảm điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có tính khả thi cao nhất, nhất là giải quyết tình huống thiếu nguồn điện từ nay đến 2030, trực tiếp là giai đoạn 2026-2028 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 ngày 3/1/2025.
Bộ Công Thương cần thành lập tổ công tác triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ phối hợp với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, trong đó có EVN để triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Đồng thời, định kỳ rà soát quá trình thực hiện để đôn đốc, triển khai cho kịp thời.
Xem xét kỹ 3 nội dung
Trên cơ sở báo cáo và các kiến nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương cùng đơn vị tư vấn giải trình làm rõ thêm trong quá trình triển khai quy hoạch điện VIII điều chỉnh tính kế thừa và đánh giá tổng thể cũng như định hướng về phát triển điện gió ngoài khơi.
Thứ hai là điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời tập trung, mặt trời áp mái tăng lên nhiều so với quy hoạch điện VIII trước đây. Đây là nguồn điện chiếm diện tích sử dụng đất lớn do đó cần đánh giá chi tiết về diện tích sử dụng tính khả thi và việc ảnh hưởng đến quy hoạch khoáng sản, sử dụng đất cho nông nghiệp.
Thứ ba, làm rõ việc ưu tiên phát triển nhà máy cụm nhiệt điện LNG công suất lớn nhằm tối ưu hóa hạ tầng dùng chung từ các hạ tầng kho cảng khí nhiên liệu hóa lỏng theo mô hình kho cảng trung tâm quy mô công suất lớn và hệ thống đường ống cung cấp khí LNG từ kho trung tâm.
Bên cạnh đó, cần làm rõ tính khả thi hiệu quả trong hệ thống lưu trữ năng lượng trong đó có thủy điện tích năng, pin lưu trữ đối với nguồn điện mặt trời, nhất là đến năm 2030.
Đồng thời, rà soát xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật đối với các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn không triển khai được và có giải pháp trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII...