Đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, việc triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ghi nhận các kết quả của địa phương, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, cần quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Nghị quyết của Quốc hội đã đi vào cuộc sống
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được theo đúng mục tiêu đề ra, thực tế việc triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Từ thực tế giám sát tại địa phương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, Hưng Yên cần đưa ra đánh giá khách quan, thẳng thắn và có số liệu minh họa cụ thể về kết quả đạt được, cũng như khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo thêm động lực và sức bật cho kinh tế địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Minh chứng cụ thể cho khẳng định này, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 tăng 10,05%, vượt kế hoạch đề ra, là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 4/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, cao thứ 7/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Từ quá trình triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có gần 9.600 lượt khách hàng được vay vốn; góp phần tạo việc làm cho gần 6.900 lao động; giúp 2.330 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn vay để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; giúp 298 hộ gia đình có thu nhập thấp có điều kiện thực hiện giấc mơ “an cư lạc nghiệp”; giúp 75 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập duy trì hoạt động; giải ngân 100% số kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà…
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, tác động của một số chính sách là rất lớn nhưng chưa thể định lượng cụ thể ngay. Ví dụ như, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân đã giúp họ vượt qua khó khăn, yên tâm ở lại làm việc, nên các nhà máy, công xưởng trên địa bàn vận hành ổn định, quay lại phục hồi, mở rộng sản xuất thời gian qua.
Hay như, việc thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong cả nước còn chậm, theo báo cáo của Chính phủ hiện đạt tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến 31.12.2023 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 1.756 tỷ đồng, hỗ trợ cho 25 doanh nghiệp, 11 hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ đều giảm khó khăn và áp lực tài chính, từ đó có điều kiện để hồi phục và mở rộng sản xuất.
Thực hiện chính sách miễn giảm thuế không ảnh hưởng đến dự toán chi ngân sách địa phương
Đối với băn khoăn của các thành viên Đoàn giám sát về kết quả thu được có tương xứng với nguồn lực và công sức bỏ ra khi triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, việc triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm thuế được Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định đã giúp giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích cầu tiêu dùng, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị đều phục hồi. “Sản xuất, kinh doanh phục hồi nên số nộp ngân sách Nhà nước tăng dần theo thời gian thực hiện chính sách. Ngoài ra, một số ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng tăng trưởng và đóng góp lớn vào số thu ngân sách của địa phương. Do vậy, tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, các chính sách miễn giảm thuế không tác động tới dự toán chi ngân sách địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng nêu rõ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; các cấp, các ngành tập trung phối hợp triển khai thực hiện kịp thời các chính sách; chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động thực hiện các cơ chế, chính sách… Do vậy, người dân, doanh nghiệp đã nắm bắt được thông tin kịp thời, phối hợp hiệu quả với các cấp chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các chính sách, và đến nay chưa nhận được phản ánh trái chiều liên quan đến thực hiện các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm trên địa bàn.
Đánh giá cao kết quả và bài học kinh nghiệm trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ của Hưng Yên, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, thành viên Đoàn giám sát, nhận thấy, tiến độ giải ngân 2 dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Hưng Yên tính đến hết năm 2023 còn chậm. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 2 dự án sử dụng nguồn vốn từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 là dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 155 trạm y tế tuyến xã và dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng 40 trạm y tế tuyến xã. Dù việc cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương được thực hiện kịp thời, tuy nhiên tiến độ giải ngân của 2 dự án đến hết năm 2023 đạt dưới 30% so với vốn bố trí đầu tư là 126 tỷ đồng.
Chia sẻ với tỉnh về những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến thực hiện 2 dự án nêu trên (quy mô xây dựng trải rộng trên địa bàn, thay đổi thông tư hướng dẫn về mua sắm thiết bị y tế…), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, thành viên Đoàn giám sát, đề nghị, Hưng Yên cần tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội về việc gia hạn thực hiện đến 31.12.2024.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra và những tác động to lớn của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta, việc triển khai các dự án một cách kịp thời có ý nghĩa to lớn. Điều này đòi hỏi Hưng Yên cần nhìn thẳng vào các nguyên nhân chủ quan, từ đó có biện pháp hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Thị Lan nói.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là một trong những quyết sách mang tính lịch sử góp phần tạo sức bật mới cho đất nước; thể hiện một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước. Với ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Hưng Yên tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, với tinh thần “đã quyết liệt thì càng phải quyết liệt hơn nữa”, bảo đảm hiệu quả của dự án; phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh, xã hội; báo cáo rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện chính sách, làm cơ sở để Đoàn giám sát tổng hợp, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc ban hành chính sách… thời gian tới.