Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc cấp GCNQSDĐ nông nghiệp ở các địa phương thời gian qua chậm và chưa đạt kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân. Trước hết, việc chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt và thiếu sự phối hợp tích cực giữa đơn vị tư vấn với chính quyền các cấp, nhất là UBND cấp xã.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bao gồm đất ở trong khu dân cư và đất nông nghiệp cho nhân dân, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát đầy đủ, chính xác các thửa đất chưa được cấp. Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, tránh vi phạm pháp luật về đất đai.
Mặt khác, nắm bắt tình hình, sớm phát hiện những khó khăn, vướng mắc và định kỳ báo cáo, đề xuất, kiến nghị (vào ngày 15 hằng tháng) về Sở TN&MT, để sở tham mưu với UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ. Căn cứ vào quy định, các địa phương cấp giấy cho những thửa đất đủ điều kiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Thực hiện Kế hoạch 572, ngày 3/5/2012 của UBND tỉnh về việc dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh có 88 xã, thị trấn thực hiện dự án dồn đổi ruộng đất ngoài đồng. Sau khi thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, Sở TN&MT bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan cho UBND các xã, phường, thị trấn và UBND cấp huyện quản lý.
Toàn tỉnh có 33 xã, thị trấn với tổng số 13.590 thửa đất ở các huyện: Thanh Liêm, Bình Lục, thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý chưa hoàn thành cấp GCNQSDĐ sau dồn đổi ruộng đất. Đến tháng 6/2024, các địa phương đã cấp được 131.939 giấy, đạt 80,3% kế hoạch. Trong đó, một số xã có tỷ lệ cấp giấy cao như: Mộc Bắc (Duy Tiên) đạt trên 97%; Liêm Sơn (Thanh Liêm) trên 98% tổng số giấy…
Ông Trần Tự Lực, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm cho biết: Hiện nay, thị trấn đã cấp được hơn 1.600 GCNQSDĐ, còn gần 100 trường hợp chưa cấp, tập trung ở thôn Ninh Phú. Nguyên nhân do những năm qua tại địa phương có 3 lần thu hồi đất giải phóng mặt bằng, dẫn đến biến động về diện tích đất nhưng các gia đình không đính chính số liệu vào bìa 4 của GCNQSDĐ cũ. Vì vậy, ảnh hưởng đến tiến độ cấp GCNQSDĐ ngoài đồng của thị trấn. Thị trấn đang đôn đốc, hỗ trợ các gia đình hoàn thiện thủ tục để cấp GCNQSDĐ dịch vụ 7% cho 21/24 hộ tại 3 khu đất dịch vụ trên địa bàn.
Hiện nay, số giấy chưa đủ điều kiện để cấp của 33 xã, thị trấn là 32.197 giấy, chiếm 19,7%. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc cấp GCNQSDĐ nông nghiệp ở các địa phương thời gian qua chậm và chưa đạt kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân. Trước hết, việc chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt và thiếu sự phối hợp tích cực giữa đơn vị tư vấn với chính quyền các cấp, nhất là UBND cấp xã.
Việc xử lý những vấn đề liên quan đến cấp quyền sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ, quyết toán sau dồn đổi ruộng đất còn nhiều tồn tại. Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai của các hộ dân vẫn xảy ra, dẫn đến những vướng mắc ở khâu kê khai đăng ký. Trong khi đó, quá trình dồn đổi ruộng đất ngoài thực địa diện tích đất của một số hộ dân không đúng tiêu chuẩn theo phương án đã phê duyệt; nhiều hộ phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thống nhất được diện tích, người thừa kế, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ. Một số khu vực vướng quy hoạch, nằm xen lẫn trong khu đa canh và chưa phân định ranh giới, diện tích… Chính vì thế, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong công tác đo đạc, quy chủ, rà soát, xét duyệt cấp GCNQSDĐ.
Bên cạnh đó, việc cấp GCNQSDĐ dịch vụ 5%, 7% trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là ở thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên. Theo báo cáo của Sở TN&MT, những trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ dịch vụ bao gồm 2 loại, loại thứ nhất: UBND cấp huyện được UBND tỉnh giao đất khẩn trương chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện ghép lô, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khung khu đất theo quy hoạch chi tiết. Theo đó, yêu cầu các hộ được giao đất thực hiện các nghĩa vụ về tài chính để cấp GCNQSDĐ. Loại thứ 2, diện tích đất ở sau khi được UBND tỉnh giao đất dịch vụ, UBND cấp huyện thực hiện trình tự thủ tục giao đất, cấp GCNQSDĐ cho nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng TN&MT thị xã Duy Tiên cho biết: Với khoảng 3.000 lô đất dịch vụ 7% tập trung ở các phường: Tiên Nội, Bạch Thượng, Châu Giang... những năm qua, các cấp, ngành từ thị xã đến cơ sở đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay đã cấp được hơn 1.400 GCNQSDĐ. Số còn lại các hộ tiếp tục hoàn thiện thủ tục và UBND thị xã chỉ đạo ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để cấp GCNQSDĐ bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ cho mỗi gia đình.
Hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung cấp GCNQSDĐ khu dân cư cho các hộ gia đình. Trong đó, 11 xã ở huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, kê khai, hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Đến thời điểm này, ngành chức năng đã đăng ký biến động đất cho các tổ chức, cá nhân với tổng số 13.537 hồ sơ. Trong số này, thực hiện đính chính nội dung sai sót cho 1.680 trường hợp, hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ ở các khu đất tái định cư.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ là giải pháp căn cốt giúp các hộ gia đình yên tâm khai thác, sử dụng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước theo quy định. Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn.