Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại Công văn số 555/TTg-QHĐP, ngày 16/6/2023 về việc Thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết tâm giải ngân 100% vốn theo kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023 để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là thách thức lớn với nhiều địa phương, trong đó có Quảng Trị, khi thời gian còn lại không nhiều trong khi mùa mưa bão đang đến gần.

Tại Quảng Trị, trên cơ sở các quyết định phân bổ vốn của trung ương, UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 3 chương trình MTQG với tổng vốn 1.535,141 tỉ đồng (chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 740,078 tỉ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 362,173 tỉ đồng; chương trình xây dựng NTM 432,890 tỉ đồng).

Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đều chậm, tỉ lệ giải ngân vốn đạt thấp. Cụ thể, vốn trung ương giao năm 2022 là 415,492 tỉ đồng chỉ giải ngân được 172,934 tỉ đồng, còn lại kéo dài thực hiện sang năm 2023 là 242,558 tỉ đồng nhưng đến 30/6/2023 mới giải ngân được 114,894 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 47,4%. Kế hoạch vốn năm 2023 là 368,171 tỉ đồng, đến 30/6/2023 mới giải ngân được 75,73 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 20,6%.

Thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, mới đây, UBND tỉnh có chủ trương thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025. Nhưng hầu hết các đơn vị, địa phương không đăng ký tham gia vì cho rằng việc thí điểm sẽ gặp nhiều khó khăn khi các chương trình MTQG của giai đoạn này đã tổ chức thực hiện được 3 năm từ 2021- 2023.

Nguyên nhân giải ngân nguồn vốn chậm thời gian qua chủ yếu do quá trình triển khai các chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách từ trung ương (hiện nay các bộ, ngành trung ương đã rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ bản tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách tại các địa phương).

Mặc dù có thể Quảng Trị không thực hiện việc phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 nhưng để tỉnh đạt được mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn 3 chương trình MTQG đã bố trí theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong việc giải ngân vốn được giao năm 2023 (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2022 được phép kéo dài).

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, đơn vị, địa phương cần rà soát danh mục dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân của từng dự án để đề xuất điều chuyển kế hoạch bố trí vốn kịp thời, tránh dàn trải, manh mún. Chủ động bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình theo quy định của trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG để tham mưu, đề xuất tỉnh giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao.

Trên cơ sở rà soát, tổng hợp, đánh giá của đơn vị, huyện, ngành chức năng tỉnh cần thẩm định, có đánh giá cụ thể về tình hình phát triển KT-XH, nhất là thực trạng KT-XH vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn cũng như tình hình thực hiện các chương trình MTQG năm 2022, 2023, từ đó làm rõ nguồn lực, tiến độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ từng chương trình.

Phân tích, làm rõ nguyên nhân các dự án chậm tiến độ; những thuận lợi, khó khăn trong áp dụng quy định các văn bản hướng dẫn của cấp trên ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ từng chương trình MTQG để có giải pháp tháo gỡ và báo cáo bộ, ngành xử lý những nội dung vượt thẩm quyền.

Cần có cơ chế huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước khi thực hiện các dự án nằm trong chương trình MTQG. Ưu tiên nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình trên địa bàn các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các nội dung dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình MTQG.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi đôi với xây dựng NTM. Đồng thời, tạo điều kiện cho các địa phương học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin với những đơn vị, địa phương có kết quả triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG tốt để điều chỉnh, bổ sung giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thực tế.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/day-nhanh-tien-do-giai-ngan-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/178844.htm