Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án Chương trình 30a
Năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các tiểu dự án thuộc Chương trình 30a là 502,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ thực hiện và giải ngân quá chậm dẫn đến có nguy cơ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Dự án cải tạo, nâng cấp phòng khám đa khoa trung tâm cụm xã Xuân Bình (Như Xuân) được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 30a đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thực hiện kế hoạch đầu tư các tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 30a năm 2020, huyện Thường Xuân được triển khai thực hiện 4 dự án mới, với tổng mức đầu tư 153,322 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 9-2020, huyện mới thi công xong dự án “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ xã Xuân Dương đi Ngọc Phụng”. 3 dự án còn lại, hiện nay huyện mới lựa chọn được nhà thầu và đang chuẩn bị các bước để thi công. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số các văn bản quy phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật còn chồng chéo, bất cập ảnh hưởng đến quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án... dẫn đến chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình 30a theo đúng kế hoạch, UBND huyện Thường Xuân chỉ đạo ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và các phòng, ban, địa phương liên quan tập trung rà soát lại các dự án, đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến ngày 30-11-2020 phải giải ngân xong nguồn vốn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các dự án thuộc tiểu dự án thuộc Chương trình 30a năm 2020 trên địa bàn các huyện miền núi, gồm: Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát (riêng huyện Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo vào tháng 3-2018) là 502,1 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2020 là 368,4 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2019 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020 là 133,7 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng cho các huyện 30a. Tuy nhiên, đến ngày 25-8-2020 mới có 4/23 dự án được khởi công năm 2020, còn lại 19 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu thi công, số vốn được giải ngân mới là 68,8 tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả tỉnh. Các huyện có tỷ lệ giải ngân thấp là Lang Chánh 3,6%, Bá Thước 3%, Mường Lát 8%. Việc giải ngân chậm có nguy cơ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, vì theo quy định, đến hết năm tài chính nếu không giải ngân theo kế hoạch, nguồn vốn tồn đọng phải trả về Trung ương. Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công các dự án Chương trình 30a chậm là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cùng với đó là một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công chậm được ban hành; các văn bản quy phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chồng chéo, bất cập ảnh hưởng đến quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án; các bước chuẩn bị đầu tư kéo dài; trình độ, năng lực tổ chức của các địa phương còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ giải ngân.
Tại hội nghị giao ban chuyên đề đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a vào cuối tháng 8-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền nhận định việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a là chậm so với kế hoạch. Đồng chí yêu cầu các huyện cần rà soát lại, bố trí người có chuyên môn, năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện; tiếp tục tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế từ khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục giải ngân sớm nhất số vốn được giao, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; các huyện cần vận dụng linh hoạt bố trí người có chuyên môn, năng lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, nếu hết tháng 12-2020, các địa phương không giải ngân theo đúng kế hoạch thì nguồn vốn tồn đọng sẽ phải điều chuyển về Trung ương. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh các địa phương có dự án. Do đó, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan đang tập trung quyết liệt để thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn và thi công các công trình, dự án, đảm bảo chất lượng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý theo quy định.