Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng công trình
Đó là chỉ đạo của đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn 3 huyện phía Nam ngày 17/9.
Cùng đi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài Nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Đoàn công tác đã được nghe báo cáo của UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên về tình hình và kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn; đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần giải quyết.
Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công huyện Đạ Huoai là 206,6 tỷ đồng đầu tư cho 44 hạng mục công trình, dự án. Tính đến ngày 15/9, Đạ Huoai đã thực hiện giải ngân được 94,3 tỷ đồng, đạt 45,7% so với vốn giao. Tổng kết hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Cát Tiên trong năm 2020 là 194,3 tỷ đồng cho 47 hạng mục công trình dự án. Đến nay, huyện Cát Tiên đã thực hiện giải ngân 38,6 tỷ đồng, đạt 19,85%. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Đạ Tẻh năm 2020 là 205,1 tỷ đồng và đến nay đã thực hiện giải ngân được 57,131 tỷ đồng, đạt 27,9%.
Qua đó cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn 3 huyện phía Nam trong 9 tháng đầu năm rất chậm. Đa số các dự án đầu tư mới vẫn ở giai đoạn khảo sát, lập thiết kế cơ sở, trình cấp trên thẩm định phê duyệt, lựa chọn nhà thầu thi công, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định chủ trương đầu tư. Các công trình chuyển tiếp đã khởi công thì đình trệ, kéo dài.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do một số công trình phải điều chỉnh hồ sơ, bổ sung hạng mục, bổ sung vốn; một số công trình không sử dụng hết vốn, chuyển vốn qua công trình khác; vướng mắc ở công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính phục vụ thu hồi đất; năng lực thi công của nhà thầu yếu kém, vi phạm hợp đồng làm chậm tiến độ; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm; pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều thay đổi nên hồ sơ thiết kế - dự toán phải lập đi lập lại nhiều gây mất thời gian. Nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các đơn vị làm chủ đầu tư tập trung cho công tác Đại hội Đảng các cấp, công tác sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; chủ đầu tư chưa thể hiện hết tinh thần, trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc xử lý các nhà thầu thi công theo hợp đồng đã ký kết…
Đại diện các sở, ngành có trách nhiệm đã nêu nhiều ý kiến cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc về việc khảo sát, thẩm định giá đất cụ thể các dự án công trình thủy lợi Đạ Lây, Đạ Sỵ (Cát Tiên), đường Đạ Oai - Đạ Tồn (Đạ Huoai), đường 26/3 (Đạ Tẻh)… làm cơ sở áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng hồ sơ để nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thiết kế thi công thì mới nhanh hoàn thành tiến độ; thường xuyên kiểm tra các công trình để đảm bảo trật tự xây dựng và chất lượng công trình.
Đoàn kiểm tra đã đi thực địa một số công trình đang thi công, chưa khởi công, các công trình đã hoàn thành giải ngân đưa vào sử dụng như: Trường THCS Đạ Kho, đường liên xã, đường giao thông nông thôn Quốc Oai (Đạ Tẻh), thủy lợi Đạ Sỵ, Trung tâm Văn hóa Thể thao, đường ĐH93 (Cát Tiên), mương thủy lợi Madagui, cầu dân sinh Đạ Oai (Đạ Huoai).
Đồng chí Phạm S đã chỉ đạo trong hơn 3 tháng cuối năm, 3 huyện phía Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình. Quá trình triển khai các dự án cần phải đôn đốc các nhà thầu vừa hoàn thành công trình, vừa hoàn thành quyết toán. Các dự án hiện đang thẩm định phải nhanh chóng được thẩm định, nếu sở, ngành nào dây dưa kéo dài công tác thẩm định gây chậm trễ thì sở, ngành đó sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Các công trình vừa đảm đảm khối lượng, vừa đảm bảo giải ngân, nhưng phải vừa đảm bảo chất lượng.
Thống nhất cho huyện Đạ Huoai rút vốn 16 tỷ đồng của 5 công trình chuyển qua năm 2021, nâng vốn 12 tỷ đồng cho 5 công trình phát sinh các hạng mục. Đồng ý cho huyện Cát Tiên rút vốn 14,5 tỷ đồng với 3 công trình: Nâng cấp cải tạo đường ĐH91, đường Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng, Trường THCS Phước Cát 2; bổ sung vốn 14,4 tỷ đồng cho 2 dự án: Đường Cát Lợi - Cát Lâm (thị trấn Phước Cát), trụ sở làm việc Đảng ủy - UBND - Mặt trận và các đoàn thể thị trấn Cát Tiên.
Sắp tới, đề nghị các huyện nhanh việc hoàn tất hồ sơ dự án đường Đạ Oai - Đạ Tồn trình Sở Giao thông Vận tải ; ưu tiên hoàn tất đoạn đường nông thôn nối ĐT 721 vào Thôn 11 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh); tiến hành khảo sát cây cầu Đạ Tẻh bắc qua Tân Phú; hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng công trình thủy lợi Đạ Sỵ (Cát Tiên), lập dự toán con đường dân sinh từ xã Tiên Hoàng vào chân đập hồ Đạ Sỵ, để thu hút khách du lịch trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng đề nghị: Các huyện tập trung xuống giống vụ Đông - Xuân, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Khuyến khích doanh nghiệp nhỏ phát triển năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Riêng Cát Tiên, nhanh chóng rà soát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình cấp trên xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.