Đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ tài chính, hạn chế ảnh hưởng dịch bệnh
Các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội như chỉnh sửa và bổ sung các chính sách để đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ tài chính; mở rộng thêm đối tượng được hưởng...
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "An sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Việt Nam" nhằm thúc đẩy các hoạt động của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết vấn đề an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời nhận định, đánh giá, dự báo tình hình dịch đề ra phương hướng lãnh đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm giảm sự lây lan của dịch COVID-19. Vì vậy, hội thảo tập trung vào tiếp cận an sinh xã hội, việc làm và thu nhập của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch COVID-19; ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến đời sống của thanh niên, người cao tuổi... qua đó, đề xuất giải pháp thúc đẩy an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Việt Nam thời gian tới.
Bàn về an sinh xã hội của Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19, Tiến sỹ Bùi Hồng Việt, Vụ các vấn đề xã hội, Ban tuyên giáo Trung ương, cho rằng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Chính phủ đưa ra hai gói hỗ trợ gồm gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp 280.000 tỷ đồng; đồng thời phong trào tương thân, tương ái giúp đỡ những người khó khăn đã được phát động sâu rộng với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân...
Nhằm định hướng phát triển an sinh xã hội mới "hậu COVID-19," Tiến sỹ Bùi Hồng Việt đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp như xây dựng một hệ thống quản trị lao động hiện đại, minh bạch; đầu tư cơ chế chính sách, vật chất, nhân lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc...
Nhà nước cần quan tâm đến việc chuyển dịch lao động, việc làm theo địa lý; bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/NĐ- CP...
Đánh giá về chính sách hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thạc sỹ Nguyễn Thị Xuân, Viện Xã hội học, cho rằng theo khảo sát của Tổng cục thống kê, hiện có trên 18 triệu lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, trong đó khoảng 20% lao động này làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; gần 70% tổng số lao động phi chính thức làm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, sửa chữa ôtô, xe máy... 11% làm trong lĩnh vực dịch vụ; khoảng 98% không đóng bảo hiểm xã hội.
Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức trong chín tháng năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức (8,4 triệu đồng). Dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động nhưng chưa có nhiều hiệu quả, người được hưởng đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo. Lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các giải pháp chính như Chính phủ cần chỉnh sửa và bổ sung các chính sách để đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ tài chính; mở rộng thêm đối tượng được hưởng (chú trọng đến nhiều nhóm lao động phi chính thức); phát triển ngành nghề sử dụng công nghệ thông tin; đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho người lao động thích ứng với tình hình mới...; cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm tự nguyện thông qua Internet và mạng xã hội./.