Đẩy nhanh tiến độ kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất

Góp phần tạo điều kiện để cơ quan nhà nước cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, đồng thời phát huy quyền của người sử dụng đất, hạn chế tranh chấp, khiếu nại, lấn chiếm đất đai, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Phúc phấn đấu hết năm 2022 công tác đăng ký đất đai trên toàn tỉnh đạt tỷ lệ 100%.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách TTHC nhằm đẩy nhanh tiến độ trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC về đất đai. Ảnh: Chu Kiều

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách TTHC nhằm đẩy nhanh tiến độ trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC về đất đai. Ảnh: Chu Kiều

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, thời gian qua, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, văn bản, tổ chức nhiều hội nghị tuyên tuyền, phổ biến pháp luật đất đai, các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện tốt nhất để người sử dụng đất, quản lý đất đai thực hiện đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Đồng thời, triển khai đến các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

Từ năm 2014 đến hết năm 2020, toàn tỉnh cấp được 252.801 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) các loại. Trong đó, cấp cho các tổ chức là 14.735 GCN, cấp cho hộ gia đình, cá nhân 238.066 GCN.

Theo kết quả Thống kê đất đai tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020 và rà soát của các huyện, thành phố, diện tích tự nhiên toàn tỉnh đến 1/1/2021 là 123.600 ha với 2.137.868 thửa đất.

Trong đó, đất thuộc đối tượng sử dụng 1.556.413 thửa với 1.048.073 thửa được cấp GCNSDĐ và 475.125 thửa đất không cấp GCNSDĐ; đất thuộc đối tượng quản lý là 581.455 thửa, thuộc đối tượng kê khai, bổ sung thông tin và không phải cấp GCN.

Ngoài ra, số thửa đất đã cấp GCNQSDĐ cần cấp đổi theo GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là 855.682 thửa đất với diện tích 39.655 ha.

Tại khoản 1, Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Tại khoản 5, Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào sổ địa chính (hồ sơ địa chính), được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của luật.

Trường hợp đăng ký lần đầu mà không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định.

Như vậy có thể thấy, việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế tranh chấp, khiếu nại, lấn chiếm đất đai.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa đạt được hiệu quả theo quy định, nhất là chưa xử phạt trường hợp nào về nội dung trên.

Nhằm đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp đủ điều kiện góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, ngày 25/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng đất và người được giao đất theo quản lý thực hiện kê khai, lập hồ sơ đăng ký đất đai theo quy định.

Phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh cấp huyện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký lần đầu và đăng ký lại thông tin đúng theo trình tự, thủ tục quy định.

Rà soát lại toàn bộ quỹ đất do UBND xã quản lý, sử dụng đặc biệt là quỹ đất công ích (đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm) và các loại đất phi nông nghiệp đang sử dụng (đất trụ sở, đất chợ, đất nhà văn hóa…) và thực hiện việc kê khai đăng ký theo quy định.

UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch của địa phương để triển khai thực hiện công tác đăng ký đất đai, tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người sử dụng đất có đủ điều kiện; giải quyết các tồn tại về giao đất trái thẩm quyền trên địa bàn, chịu trách nhiệm về kết quả đăng ký đất đai trên địa bàn huyện với Chủ tịch UBND tỉnh nếu không thực hiện đúng kế hoạch.

Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn huyện, thành phố. Đồng thời chỉ đạo và quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đăng ký đất đai.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, Văn phòng đăng ký đất đai tổ chức thực hiện kế hoạch này, đặc biệt áp dụng mạnh ứng dụng công nghệ.

Bố trí đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, biểu mẫu để thực hiện việc đăng ký đất đai.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho UBND cấp huyện, cấp xã trong việc đăng ký đất đai; hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đăng ký đất đai theo thẩm quyền.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71466/day-nhanh-tien-do-ke-khai-dang-ky-dat-dai-bat-buoc-doi-voi-nguoi-su-dung-dat.html