Đẩy nhanh tiến độ khai thác gỗ rừng trồng

Năm 2020, toàn tỉnh có kế hoạch khai thác 9.600 ha gỗ rừng trồng, với tổng sản lượng ước đạt 880.000 m3. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh mới chỉ khai thác được 4.100 ha, tổng sản lượng đạt hơn 356.000 m3, đạt 42% kế hoạch.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ khai thác rừng chậm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bạn hàng của các doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ lớn như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Công ty cổ phần Bột giấy - giấy An Hòa, Công ty cổ phần thương mại, sản xuất, xuất khẩu Phúc Lâm (Chiêm Hóa)... không xuất khẩu được sản phẩm đồ gỗ cũng như các sản phẩm chế biến từ gỗ nên việc thu mua hạn chế.

Báo cáo của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, các bạn hàng lớn như Thụy Điển, Đài Loan, Mỹ, Nhật giảm nhập 40 - 50% lượng hàng buộc công ty phải giảm thu mua gỗ nguyên liệu. Ông Trần Văn Hiện, Trưởng phòng Nguyên liệu, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, sau hơn 2 tháng phải dừng, giãn kế hoạch sản xuất, ngày 5-5, công ty đã thực hiện thu mua gỗ rừng trồng trở lại, tuy nhiên cũng chỉ ở mức nhỏ, chỉ tính riêng trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, công ty mới thu mua 300 - 400 m3, đạt khoảng 30% so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Người dân phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) khai thác rừng trồng đã đến chu kỳ.

Người dân phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) khai thác rừng trồng đã đến chu kỳ.

Công ty cổ phần thương mại, sản xuất, xuất khẩu Phúc Lâm (Chiêm Hóa) sau 3 tháng dừng, giãn sản xuất do không xuất khẩu được sản phẩm, đến nay công ty cũng mới có kế hoạch thu mua gỗ nguyên liệu trở lại để chế biến. Ông Lê Hoài, Giám đốc Công ty cho rằng, sản phẩm đũa gỗ, ván bóc của công ty chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, tuy nhiên trong thời gian vừa qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng sản xuất ra không xuất khẩu được phải lưu kho. Trước tình thế khó khăn, công ty đã phải dừng kế hoạch mua gỗ nguyên liệu. Cũng theo ông Hoài, dù thu mua trở lại nhưng cũng chỉ bằng 30% so với năm 2019, bởi công ty vẫn phải thăm dò thị trường.

Không riêng gì các doanh nghiệp lớn, các cơ sở nhỏ lẻ cũng phải giảm công suất chế biến do thị trường bị thu hẹp, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Ông Nhữ Văn Tuất, chủ cơ sở bóc ván gỗ Liên Tuất tại thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cho rằng, năm 2019, mỗi ngày cơ sở bóc khoảng 10 - 15 m3 nhưng từ tháng 4 trở lại đây đã giảm xuống 1 nửa nên lượng gỗ nguyên liệu thu mua về cũng giảm nhiều.

Nhu cầu thấp đã tác động đến giá gỗ, hiện tại giá thu mua nguyên liệu cũng giảm 10% so với trước đó; giá gỗ xẻ đã được nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm xuống từ 3,3 - 3,6 triệu/m3 ; gỗ tròn dao động từ 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng m3 tùy theo gỗ to hay nhỏ.

Nhu cầu giảm, giá gỗ giảm tác động đến kế hoạch sản xuất, nhiều tổ chức, cá nhân làm rừng đã dừng kế hoạch khai thác với lý do giá rẻ chưa muốn bán, khiến cho tiến độ khai thác rừng ở các địa phương đang rất chậm. Tại các xã Đức Ninh (Hàm Yên) khai thác được 3 ha, trong khi kế hoạch là 24 ha; xã Phú Thịnh (Yên Sơn) khai thác được 55,6 ha, kế hoạch khai thác là 120 ha; xã Thượng Ấm (Sơn Dương) khai thác được 31 ha, kế hoạch là gần 60 ha...

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các mặt hàng gỗ xuất khẩu bị đình trệ, ảnh hưởng đến cả người trồng rừng và các doanh nghiệp. Nếu việc xuất khẩu không khởi sắc, các doanh nghiệp không duy trì được các đơn hàng quốc tế thì việc khôi phục sản xuất sẽ thực sự là thách thức lớn.

Giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp của tỉnh đưa ra hiện nay là đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến xấu, thị trường xuất khẩu vẫn khó tập trung chuyển hướng vào thị trường nội địa là giải pháp tình thế và cũng tương đối bền vững, ít rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng cần đổi mới công nghệ, thiết kế, tạo ra những mặt hàng đa dạng hơn, phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hy vọng khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu hoạt động thông thương trong nước và quốc tế bắt nhịp trở lại việc khai thác gỗ rừng khởi sắc và mục tiêu khai thác 9.600 ha rừng trong năm của tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/day-nhanh-tien-do-khai-thac-go-rung-trong-134865.html