Đẩy nhanh tiến độ khớp nối cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan
Thị sát dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 9-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị cần tăng cường nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương gỡ vướng mắc về mặt bằng. Trước đó, ông Thọ cũng đã ký công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về việc tổ chức giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan.
Thị sát dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 9-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị cần tăng cường nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương gỡ vướng mắc về mặt bằng. Trước đó, ông Thọ cũng đã ký công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về việc tổ chức giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan.
Tổ chức giao thông cao tốc La Sơn - Túy Loan trong quý II-2021
Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan là tuyến đường nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, chỉ có 2 làn xe (theo quy mô đường cấp III), trong đó xây dựng hoàn chỉnh hệ thống biển hiệu, hàng rào, hầm chui dân sinh, không có giao cắt cùng mức. Để tổ chức giao thông phù hợp với phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 của Dự án và thuận lợi cho việc triển khai xây dựng theo quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho giai đoạn sau, công văn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký đồng ý việc tổ chức giao thông Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và chỉ cho phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép lưu thông (trừ các loại phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ). Các phương tiện xe mô-tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ nhỏ hơn 70 km/h, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông bình thường trên QL1 và các tuyến đường bộ khác.
Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành công tác thi công, khắc phục những hạng mục còn tồn tại và bổ sung đầy đủ biển báo hiệu đường bộ theo quy định; nghiệm thu hoàn thành công trình theo chỉ đạo của Bộ GTVT và gửi Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. “Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, triển khai tổ chức giao thông trên đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan (giai đoạn 1) nhằm đảm bảo ATGT trên toàn tuyến và khai thác, sử dụng hiệu quả việc đầu tư xây dựng công trình. Trong quá trình khai thác, nếu phát sinh bất cập trong việc tổ chức giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định”, công văn yêu cầu.
Ông Nguyễn Minh Khánh - Trưởng phòng Điều hành dự án 4 (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị đang đôn đốc nhà thầu thi công xong các hạng mục còn lại để đưa cao tốc La Sơn - Túy Loan vào khai thác trong quý II-2021. Đoạn tuyến này đã cơ bản được hoàn thiện các hạng mục, chờ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra những điều kiện kỹ thuật.
Trước đó, chủ đầu tư cao tốc La Sơn - Túy Loan là BQL dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch, dự án cao tốc thông xe cuối năm 2018. Tuy nhiên, công trình chậm tiến độ do nhiều lần điều chỉnh phê duyệt, vướng mắc giải phóng mặt bằng và thiếu vốn. Vừa qua, Bộ GTVT quyết định chuyển phương án đầu tư đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án này trùng với hệ thống tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (cao tốc La Sơn - Túy Loan) sang hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao). Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án khai thác tốt nhất đoạn tuyến La Sơn - Hòa Liên này trước khi hoàn thiện còn lại 11km đoạn Hòa Liên - Túy Loan sau này. Trước mắt, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch đầu tư phối hợp BQL dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thiện các thủ tục có liên quan bảo đảm có thể sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đã được bố trí để thanh toán khoản vay nước ngoài của dự án đúng hạn. Đồng thời thực hiện các thủ tục để đưa đoạn Hòa Liên - Túy Loan vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kịp thời bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT cũng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng phần vốn còn lại của dự án để mở rộng nền, mặt đường đoạn Hòa Liên - Túy Loan theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
Tăng tiến độ cao tốc nối Huế - Quảng Trị
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98 km nối Quảng Trị với Thừa Thiên – Huế có tổng vốn đầu tư 7.699 tỷ đồng. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ khớp nối với các cao tốc La Sơn- Túy Loan, Đà Nẵng- Quảng Ngãi đã hoàn thành để hình thành mạng lưới cao tốc xuyên suốt, trải dài từ Quảng Trị tới Quảng Ngãi. Từ đây, sẽ kết nối các khu kinh tế, khu công nghệ dọc Trung Trung Bộ, tạo một hành lang kinh tế Bắc - Nam làm động lực phát triển cho miền Trung. Với ý nghĩa đó, ngay từ khi khởi động, dự án cao tốc nối Quảng Trị- Huế đã được quan tâm, kỳ vọng, tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ. Hiện công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành 99%, ngoại trừ một số đoạn tuyến qua địa bàn Thừa Thiên – Huế còn vướng mắc. Có mặt bằng, các đơn vị thi công đã huy động nhân lực, phương tiện, tăng ca, đẩy nhanh tiến độ. Không khí thi công trên công trường diễn ra hối hả để bù đắp lại thời điểm bị dịch bệnh, mưa lũ không thể thi công trong năm 2020. Báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện toàn tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn đã cơ bản hoàn thành phần nền đường, tổng sản lượng toàn dự án đạt khoảng 35%.
Thị sát tại Km 81+500 qua địa phận TX Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, thuộc gói thầu XL10, hiện các đơn vị thi công đã khớp nối toàn bộ nền đường, tổ chức rải thảm lớp cấp phối đá dăm với chiều dài gần 1km. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó phòng điều hành dự án 1 (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh), phụ trách gói XL10 cho biết: “Hiện tiến độ thi công của gói thầu đạt 57%. Các nhà thầu đang tăng tốc rải thảm lớp cấp phối đá dăm, chủ động tập kết vật liệu với mục tiêu sau 2 tháng nữa sẽ tiến hành thảm nhựa.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, hiện nay điều kiện thời tiết thuận lợi để thi công, vì vậy các đơn vị cần chủ động tăng cường nhân lực, phương tiện, áp dụng các giải pháp thi công linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo ông Thọ, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường, bài học từ năm 2020 cho thấy có nhiều thời điểm phải dừng thi công, bây giờ phải tăng cường bù đắp lại tiến độ, nhất quyết không để dự án chậm trễ, không đảm bảo thời hạn hợp đồng. Mà để đảm bảo tiến độ, ngoài việc tăng tốc nhân lực, phương tiện, tăng ca cần chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng về mặt bằng. Đặc biệt, cần linh hoạt trong các giải pháp thi công.
Hiện nay cơ bản công đoạn nền đường đã hoàn thành, thời gian tới sẽ là các công đoạn kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi các yêu cầu phải chặt chẽ, đúng quy trình để đảm bảo chất lượng. Ông Thọ nói, để cấp phối đá dăm, thảm bê-tông nhựa tới đây đảm bảo chất lượng thì phải kiểm soát chặt chất lượng nguồn vật liệu, các trạm trộn, quy trình rải thảm… Đến giai đoạn này, ngoài tư vấn dự án, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải tăng cường các chuyên gia để hỗ trợ, giám sát thi công. Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý các nhà thầu, nghiêm cấm việc dùng máy san gạt, máy ủi để thảm cấp phối; khi lu lèn nền đường phải xử lý các mạch nước ngầm. Riêng với những vị trí mái ta-luy sạt lở sau mùa mưa lũ năm 2020, ông Thọ yêu cầu các đơn vị cần rà soát, có giải pháp xử lý đảm bảo ổn định bền vững cho công trình.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện qua địa bàn tỉnh còn khoảng 450m chiều dài dự án bị vướng mắc GPMB. Địa phương đang triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành việc GPMB trong tháng 3 này. Như vậy có thể thấy, dự án cao tốc nối Quảng Trị- Huế đang được tăng tốc tiến độ để có thể sớm đưa vào khai thác, kết nối với mạng lưới cao tốc khu vực miền Trung tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.