Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trung hạn

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hạn mức vốn phải thực hiện trong 2 năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm.

Chiều 22-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (bao gồm phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020).

Theo đó, việc đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực như tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, cơ cấu vốn đầu tư công theo hướng phù hợp hơn; hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên; giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, quý; khắc phục cơ bản tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn; khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo

Báo cáo cũng chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế. Theo đó, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để bố trí vốn thực hiện hàng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu; phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế; chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.

“Nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Tình trạng mất cân đối giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương ngày càng tăng, không đảm bảo mục tiêu ngân sách trung ương đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”, báo cáo chỉ ra.

Đánh giá 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm.

"Trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách Trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu tư là một quá trình liên tục, sẽ có một bộ phận hạn mức vốn thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ được chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục bố trí kế hoạch hàng năm và thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương là khó khăn.

"Để thực hiện hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, tình hình giải ngân, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn giữa vốn ODA và vốn vay trong nước, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn", báo cáo nhấn mạnh.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai giao kế hoạch hàng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế và không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, tổng kết vào cuối kỳ của kế hoạch.

Đối với dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc: "Chỉ sử dụng dự phòng chung sau khi các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng hết số vốn dự phòng tại đơn vị mình và thực hiện theo các tiêu chí, thứ tự ưu tiên đã được nêu trong báo cáo chính”.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/day-nhanh-tien-do-nang-cao-hieu-qua-su-dung-von-dau-tu-cong-trung-han/787235.antd