Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn Dự án cải tạo sông Tích
Dự án cải tạo sông Tích được coi là dự án trọng điểm của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi hoàn thành, dự án hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích rất lớn. Tuy nhiên đến nay, sau gần 10 năm thi công, tiến độ của dự án vẫn rất chậm.
Dự án cải tạo sông Tích được coi là dự án trọng điểm của ngành Nông nghiệp Hà Nội. (Ảnh TL)
Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 với tổng mức đầu tư hơn 6.914 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Dự án được thiết kế hệ thống lấy nước sông Đà tiếp nguồn sông Tích, với lưu lượng 60m3/giây. Khi hoàn thành, công trình sẽ mang lại nhiều lợi ích như cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất công nghiệp; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; bảo đảm tiêu thoát nước, phòng, chống lũ cho lưu vực. Đồng thời từng bước chuyển đổi công năng, khai thác hiệu quả nguồn nước hồ Suối Hai, Đồng Mô để phát triển du lịch.
Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì công trình này hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc ứng phó hiện tượng hạ thấp mực nước sông Hồng. Bổ sung lưu lượng thiếu hụt nguồn tiếp nước của cống Cẩm Đình cho lưu vực sông Đáy; làm nhiệm vụ thau rửa, sống lại các dòng sông đang bị ô nhiễm và cạn kiệt.
Theo phê duyệt, dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn I sẽ đầu tư xây dựng các công trình lấy nước từ sông Đà vào sông Tích; cải tạo, khôi phục lòng dẫn sông Tích, đoạn từ thôn Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) đến cầu Ó thuộc địa bàn xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ).
Giai đoạn II sẽ đầu tư nạo vét, tu bổ, nắn chỉnh lòng dẫn sông Tích đoạn từ cầu Ó đến cầu Ba Thá, thuộc địa bàn xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức).
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiết kế, kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư… nên tháng 3/2016, UBND thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh tiến độ dự án.
Theo đó, giai đoạn I của dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020, giai đoạn II sẽ đầu tư sau năm 2020. Trong giai đoạn I, thành phố cho phép chia dự án thành 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 từ cống lấy nước đầu mối, đoạn thôn Lương Phú đến cầu Trắng thuộc xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) và giai đoạn 2 từ cầu Trắng đến cầu Ó.
Để thực hiện dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích, huyện Ba Vì phải thu hồi, giải phóng mặt bằng 287,18ha đất của khoảng 7.050 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn. Đến nay, huyện Ba Vì đã giải phóng mặt bằng và bàn giao 240,21ha cho đơn vị thi công.
Công nhân đang tiến hành thi công dự án kè sông Tích. (Ảnh: HNM)
Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị được giao thực hiện dự án đã cơ bản hoàn thành việc thi công các hạng mục như: Cống đầu mối Thuần Mỹ, nhà quản lý vận hành cống, kênh dẫn, hạ lưu cống, kè bảo vệ cửa cống với khối lượng công việc tương ứng giá trị khoảng 105/109,803 tỷ đồng.
Thi công lòng dẫn và toàn bộ các công trình thủy lợi, giao thông thuộc giai đoạn 1, với khối lượng công việc tương ứng giá trị 1.710/2.396,5 tỷ đồng; gói thầu lắp đặt cơ khí và thiết bị điện đã hoàn thành khối lượng công việc tương ứng giá trị 101,7/125,03 tỷ đồng.
Tổng lũy kế vốn đã bố trí cho dự án tính đến ngày 31/12/2018 là hơn 3.127 tỷ đồng và đã giải ngân 100%. Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án tiếp nước, cải tạo phục hồi sông Tích hiện nay còn chậm do thiếu mặt bằng.
Ông Phùng Văn Hệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (đơn vị thi công) cho rằng, việc chậm bàn giao mặt bằng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho đơn vị thi công mà còn giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trình trọng điểm nêu trên.
Năm 2019, dự án được bố trí kế hoạch vốn gần 566,3 tỷ đồng, tuy nhiên, tiến độ giải ngân đạt thấp, tính đến hết tháng 6 mới giải ngân được hơn 58,2 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị được Sở NN&PTNT Hà Nội giao làm đại diện chủ đầu tư) cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Ba Vì tập trung rà soát, giải quyết các hộ còn vướng mắc, hoàn thành phê duyệt, bàn giao diện tích đất thu hồi còn lại tại xã Cẩm Lĩnh, bàn giao cho đơn vị thi công trước 30/9.
Cùng với đó, sẽ đôn đốc đơn vị được giao thi công hoàn thiện nhà quản lý, kè bảo vệ và các công trình phụ trợ của cụm công trình đầu mối với khối lượng công việc tương đương 25,38 tỷ đồng.
Tập trung thi công hoàn thành lòng dẫn sông Tích và các công trình dọc tuyến sông từ K14+400 đến K23+400 xong trước ngày 31/12/2019; thi công hoàn thành phai phòng lũ trước 30/12/2019.
“Mục tiêu của Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành việc giải ngân gần 566,3 tỷ đồng theo kế hoạch bố trí vốn cho dự án này năm 2019”, ông Sơn cho biết.