Đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân nguồn vốn
Sáng nay, 27.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.
Dự kiến bố trí 26.900 tỷ đồng cho 20 dự án thuộc 4 ngành, lĩnh vực
Trình bày Báo cáo về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, tổng số 26.900 tỷ đồng sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 dự kiến bố trí cho 20 dự án thuộc 4 ngành, lĩnh vực: quốc phòng (2.000 tỷ đồng); an ninh (4.000 tỷ đồng); giao thông (19.380 tỷ đồng); cải cách tư pháp (1.520 tỷ đồng).
Số vốn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội là 18.220 tỷ đồng dự kiến bố trí từ tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho 14 dự án cần báo cáo Quốc hội để bổ sung hạn mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023. Cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Đối với 4 dự án: Dự án sân bay Gia Bình; xây dựng mới trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao tại 262 Đội Cấn (Hà Nội); dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở Tòa án Nhân dân các cấp (giai đoạn 1); dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án căn cứ nguồn vốn và mức vốn dự kiến bố trí cho dự án từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023, nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày, việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công là phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đầu tư công, khoản 6 Điều 6 của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Về các dự án chưa cân đối đủ nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ kiến nghị cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư và cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án căn cứ nguồn vốn và mức vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 dự kiến bố trí cho dự án, nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc sử dụng vốn cho các dự án vượt quá mức 20% theo quy định của Điều 89 Luật Đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương. Bên cạnh đó, Chính phủ đã giải trình sẽ cân đối các nguồn vốn khác để bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Do vậy, kiến nghị Quốc hội cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư các dự án căn cứ nguồn vốn và mức vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 dự kiến bố trí cho các dự án, nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn khác để bảo đảm cân đối vốn đầu tư theo quy định.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để bố trí đủ số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của các dự án theo đúng quy định của pháp luật. Có ý kiến chưa nhất trí việc dự kiến nguồn bố trí cho các dự án theo Tờ trình của Chính phủ.
Đối với dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp (giai đoạn 1), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây không phải là một dự án đầu tư mà bao gồm nhiều dự án đầu tư, được triển khai trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân nguồn vốn.
Tiếp tục quan tâm, bổ sung dự toán ngân sách 2024 cho Tòa án nhân dân
Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; các Nghị quyết số 96/2019/QH14 và một số nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã quyết nghị: Chính phủ có trách nhiệm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Tòa án nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ưu tiên bố trí kịp thời kinh phí để Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan tổ chức hiệu quả phiên tòa trực tuyến và các Đề án đã được phê duyệt.
Trong thời gian qua với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các báo cáo xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 của Tòa án Nhân dân tối cao đã đề xuất hơn 9.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới các trụ sở. Nhưng do nguồn vốn đầu tư công của Quốc hội bố trí cho hệ thống Tòa án nhân dân bị cắt giảm nên các dự án chưa được đầu tư.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng chỉ rõ, so với dự toán đề xuất thì vốn được giao chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu, bên cạnh đó, hàng năm, căn cứ vào nội dung các Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo tổng hợp nhu cầu trang bị tài sản, bảo trì sửa chữa trụ sở làm việc của Tòa án Nhân dân tối cao và nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, số kinh phí thực tế được Bộ Tài chính giao hàng năm luôn ít hơn theo kế hoạch của các Đề án.
Do vậy, trong bối cảnh số lượng vụ việc Tòa án nhân dân phải giải quyết hàng năm ngày càng tăng, cơ sở vật chất các Tòa án nhân dân ở một số địa phương xuống cấp nghiêm trọng, bên cạnh đó là yêu cầu các cấp tòa án đều phải bố trí tối thiểu một phòng xét xử cho từng loại án, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục quan tâm, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho Tòa án nhân dân trong nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2023.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu bổ sung và ưu tiên bố trí kinh phí phục vụ công tác rà, phá bom mìn ở khu vực biên giới, vì theo kiến nghị của các địa phương và bà con nhân dân thì hiện nay diện tích chưa được rà, phá bom mìn còn rất lớn, đặc biệt là ở những xã khu vực biên giới.