Đẩy nhanh tiến độ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa
Ngày 15-11, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xử lý dioxin giai đoạn 1 tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc.
Trong giai đoạn 1 của dự án, từ năm 2020-2028, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Quốc phòng và nguồn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, USAID, đến nay, tổng khối lượng đào xúc, vận chuyển và phân loại đất, trầm tích nhiễm dioxin đạt gần 71 nghìn m3, giải phóng được 9,7 hecta diện tích ô nhiễm, trong đó đã đưa vào bãi lưu trữ lâu dài gần 43 nghìn m3, gần 28 nghìn m3 đang chờ vận chuyển đến khu vực xử lý nhiệt.
Là chủ đầu tư dự án, Quân chủng Phòng không – Không quân đã phối hợp với các đơn vị tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ đạt 133,6 hecta.
Thực hiện quan trắc mỗi tháng 1 lần không khí, nước mặt, nước ngầm và 6 tháng/lần với trầm tích. Đến nay các thông số về không khí, nước đều dưới ngưỡng quy định, bảo đảm tốt về môi trường. Các khu vực ô nhiễm dioxin được đào xúc bảo đảm về tiêu chuẩn giới hạn hàm lượng dioxin đáy.
Làm việc với các đơn vị liên quan, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong thời gian qua của các đơn vị thực hiện Dự án xử lý dioxin giai đoạn 1 tại sân bay Biên Hòa; đồng thời, yêu cầu các đơn vị, nhà thầu chủ động khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan thống nhất với USAID rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch tổng thể; củng cố, kiện toàn lại Ban quản lý dự án theo hướng tinh, gọn, thực chất, hiệu quả; tổ chức phương pháp thi công cuốn chiếu trong một gói thầu và làm song song các gói thầu; chủ động đề xuất các giải pháp công nghệ đã qua thực tiễn xử lý, nhất là các giải pháp nội hóa để đẩy nhanh tiến độ xử lý đất nhiễm; trong quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn cho người lao động và bảo đảm môi trường; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, thực hiện quan trắc thường xuyên, quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả…
Tin, ảnh: MINH NGÂN