Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa để huyện Gia Lâm trở thành quận vào năm 2023

Chiều 5-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội) về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: DUY LINH

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: DUY LINH

Chiều 5-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội) về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Năm 2020, huyện Gia Lâm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 4.500 tỷ đồng, bằng 152% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao. Hai tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 375 tỷ đồng, tương đương hơn 15% dự toán cả năm. Huyện có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai xã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố quyết định công nhận nông thôn mới nâng cao và một xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với tiêu chí quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn ba tiêu chí chưa đạt, gồm cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị và mật độ đường giao thông đô thị.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm thời gian qua. Năm 2020, huyện đã năng động, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, huyện Gia Lâm là vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Vì thế, huyện cần định hướng phát triển kinh tế gắn với văn hóa; đồng thời giải quyết hài hòa sinh kế của người dân. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu huyện Gia Lâm tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là khu vực bãi sông Hồng, sông Đuống để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.

Liên quan đến đề án phát triển thành quận, Bí thư Thành ủy đánh giá huyện Gia Lâm là địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển thành quận sớm nhất so với các huyện đang thực hiện đề án. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm cần chú trọng gắn liền với phát triển đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị cửa ngõ phía đông bắc Thủ đô. Đặc biệt, huyện Gia Lâm cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội ở mức cao hơn, phấn đấu trở thành quận vào năm 2023.

NGỌC THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-moi-nhan/day-nhanh-toc-do-do-thi-hoa-de-huyen-gia-lam-tro-thanh-quan-vao-nam-2023-637510/