Dậy sóng vì tiền quỹ đầu năm, phụ huynh mong được 'tự nguyện' đúng nghĩa
Bài viết phản ánh nỗi niềm của phụ huynh trong 'mùa' thu tiền tự nguyện đầu năm học mới đã tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Phản hồi về bài viết, nhiều bạn đọc bức xúc vì cứ mỗi đầu năm đóng những khoản không tên. Tình trạng này diễn ra từ bậc mầm non tới phổ thông. Thông qua Hội phụ huynh và trên tinh thần "tự nguyện", các vật dụng từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đều được huy động từ các phụ huynh.
“Năm nào tôi cũng phải đóng tiền điều hòa cho con. Ai cũng biết vô lý nhưng ai cũng phải đóng. Điều hòa của các khóa trước để lại, nhà trường thanh lý rồi để phụ huynh kêu gọi tự nguyện. Không mua thì con chết nóng, mà mua thì nghĩ ức” - một bạn đọc bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, một bạn đọc khác có địa chỉ email thucanh...@yahoo.com cho biết, tuần trước chị vừa đi họp cho con đang học mầm non nhưng đã phải đóng bao nhiêu khoản. Chị ngao ngán khi chi hội trưởng kêu đóng quỹ phụ huynh trường để ngoài chi các khoản quà cáp, phần thưởng, thì thêm chuyện mua 20 cái bình nước...
Còn một độc giả khác thì lên tiếng “sáng nay lớp con tôi họp phụ huynh, chúng tôi phải đóng mỗi người 2.700.000 đồng. Chỉ với khoản này nhiều em học sinh nghèo chắc không theo học được cấp 3, đó là chưa kể các khoản học phí, các khoản đóng theo quy định khác”...
Từ đóng góp để mua sắm, khen thưởng, quà cáp ..., nhiều khoản thu bất hợp lý khác cũng được nêu ra đầu năm. Ngay khoản tiền báo tin bằng tin nhắn cũng được phụ huynh đề cập. Độc giả có email Duc747@gmail.com cho rằng, hiện nay các phương tiện liên lạc qua mạng xã hội rất phổ biến, tương tác tốt nhưng không được tận dụng.
Dù mang tiếng là các khoản đóng tự nguyện nhưng thực ra là một hình thức lách luật, phụ huynh dù bức xúc vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì ý kiến thì sợ lạc lõng, sợ con bị "chú ý"…
"Khi đi ngược chiều, rất có thể con sẽ bị ảnh hưởng. Chừng nào còn những khoản thu tự nguyện nhưng không thể chối từ thì còn nhiều hệ lụy cần suy nghĩ" - bạn Mai Thi nêu quan điểm.
Còn chị Huyền (maihuyenedu...@yahoo.com) thì cho rằng: "Thực ra cứ bảo ai không có điều kiện thì trình bày, chứ cũng phải hiểu cho các nhà không có điều kiện, chả lẽ lại lên gặp bảo nhà tôi nghèo lắm, xin không đóng?".
Tuy nhiên cũng có người cho rằng, nên thấu hiểu cho cái khó của ban phụ huynh.
Bạn đọc tên Tiến viết "Giữa các gia đình đều có sự khác biệt, có phải ai cũng giống ai đâu. Thế nên người làm ban phụ huynh thực ra rất cực, nhất là những anh, chị có tâm, vừa phải chu toàn vừa phải khéo léo ứng xử để đoàn kết cả lớp. Thực lòng, có thể cả 2 bên đều hiểu nhau, nhưng rất khó để dung hòa".
Ngoài ra, quỹ phụ huynh bản chất cũng là để phục vụ cho các con em mình.
“Phụ huynh chung tay xã hội hóa giáo dục, con cái là người hưởng lợi thì có gì là sai. Muốn con mát mẻ thì mua điều hòa có gì là sai. Muốn học hiện đại mua bảng tương tác có gì là sai. Tôi nghĩ các vị nên bớt kêu, mỗi người góp mỗi tí cho con mình hưởng chứ ai hưởng” - bạn Minh viết.
Mong "tự nguyện" đúng nghĩa
Bạn đọc Vân Nguyễn nhìn nhận, nếu tính riêng khoản đóng góp với mỗi học sinh thì không bao nhiêu nhưng với trường học hàng nghìn học sinh, quỹ phụ huynh có thể lên tới hàng tỷ đồng.
“Trường con tôi năm nào cũng đóng quỹ phụ huynh từ 800.000 đồng- đến 1.000.000 đồng/học sinh. Cả trường có gần 3.000 học sinh, tôi tính sơ sơ quỹ phụ huynh đầu năm ở trường khoảng 3 tỷ đồng”.
Quỹ lớn, và các khoản chi thì bao giờ cũng rất “hợp lý".
Độc giả phanhongminh...@gmail.com cho hay: “Tôi đi họp phụ huynh cho con. Hội trưởng hội cha me học sinh công bố năm học 2019-2020 thu quỹ hội được hơn 127 triệu. Trong đó chi hơn 26 triệu để hoạt động hội. Chi hơn 13 triệu cho các cuộc họp của hội, còn lại cho các hoạt động mà con em mình được hưởng. Như vậy 127 triệu tiêu hết sạch và rất “hợp lý”.
Một độc giả khác thì viết: “Con tôi học cấp 2 ở một trường hội nhập tiên tiến của quận. Không cần biết hoàn cảnh kinh tế của từng cháu thế nào, ban phụ huynh đều mặc nhiên nghĩ vào trường này là nhà từ khá trở lên? Đầu năm học, mỗi phụ huynh đóng 500.000 đồng cho quỹ lớp; 450.000 đồng cho quỹ khuyến học… Còn phần thưởng cho học sinh giỏi chỉ là 8 cuốn tập (không phải 10 cuốn) với bìa vở là hình ảnh của trường... Tính ra mỗi một phụ huynh phải nộp rất nhiều thứ tiền cho con mình nhưng phần thưởng cũng từ quỹ phụ huynh và không hiểu cái gọi là quỹ khuyến học đã đi đâu”.
Một số độc giả nhìn nhận, hội phụ huynh thực ra cũng rất cực, song ở nhiều nơi, hội chỉ là cánh tay nối dài của nhà trường nhằm hợp thức hóa các khoản thu và cho rằng hội phụ huynh nên trở lại đúng vai trò của mình.
"Nói chung là khó, tiền nong là chuyện nhạy cảm, không có đóng cũng ngại nói ra, mà đóng thì ấm ức rồi nói này nọ sau lưng nhau, nghĩ cũng khổ. Có ban phụ huynh rất tử tế, nhưng có ban phụ huynh cũng kiểu như 'người' của nhà trường. Thành ra quy chụp theo phía nào cũng là không chính xác..." - một độc giả viết.
Bạn Công Dũng viết: "Tôi nghĩ chả ai sướng với cái chức hội trưởng phụ huynh đâu. Vừa cực vừa muối mặt khi phải xin tiền. Do vậy, ở đây chúng ta cần phân biệt là hội phụ huynh hay quỹ phụ huynh thực ra là do nhà trường gợi ý thôi..."
Vì vậy, nhiều độc giả mong muốn thay đổi hình thức vận động các khoản tự nguyện như hiện nay. Chẳng hạn, những khoản cần xã hội hóa thì nhà trường nên công khai và kêu gọi ủng hộ trên tinh thần "tự nguyện" đúng nghĩa, chứ không nên qua hình thức "nói miệng" với ban phụ huynh. Qua đó, những phụ huynh có điều kiện có thể ủng hộ cho nhà trường, còn những phụ huynh không mấy khá giả cũng có thể cảm thấy thoải mái nếu không đóng góp.
Bạn Tiêu Nguyễn nêu ý kiến: "Cần cái gì, từ SGK, đồ dùng học tập, học thêm học nếm hay cần ủng hộ sao nhà trường không công khai hẳn lên website, giờ trường nào chả có website. Ở nước ngoài, những phụ huynh giàu có vẫn ủng hộ trường, còn ai không có thì thôi".
"Nếu trường học cần đóng góp gì, Ban Giám hiệu trường gửi thông báo trực tiếp cho phụ huynh, có như vậy trường mới không thu các khoản không hợp lý và hội phụ huynh cũng không phải làm cánh tay nối dài của trường", một độc giả viết.