Dạy tằm làm 'thợ dệt'
Bà Thuận ôm tấm chăn của những 'thợ dệt' tằm vào lòng, trào dâng hạnh phúc khi những con tằm đã biết ngóc đầu tự rút ruột nhả tơ trên một mặt phẳng theo sự sắp đặt. 'Tôi đã làm được sản phẩm tơ tằm từ việc dùng con tằm là những người thợ dệt. Tôi tin nghề có thể tồn tại, vì thế quyết định tìm lối đi mới cho nghề. Tôi nghĩ làm sản phẩm do con tằm tự dệt là hướng đi rất tốt cho tơ tằm', bà Thuận nói.
Một đời đắm đuối với nghề tổ
Sinh ra lớn lên ở làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trong cái nôi làm nghề canh cửi và là đời thứ ba trong gia đình truyền thống theo nghề, bà Phan Thị Thuận đã sớm đắm chìm trong tình yêu dâu tằm.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà Thuận vẫn nhớ cái thuở lên 5-6 tuổi lon ton đi hái dâu nuôi tằm cùng người lớn trong nhà. “Từ bé tí nhìn bố mẹ làm tôi đã làm theo, bố mẹ quay suốt thì tôi cũng ngồi quay suốt. Thấy bố mẹ làm mà được làm cùng tôi thích lắm, dệt được mét hàng đẹp hay nuôi được con kén đẹp đều mang khoe cả nhà”, bà kể lại.
Từ những ngày tháng ấy đến giờ, bà Thuận chưa có ngày nào rời xa nong tằm, nong kén. Trải qua bao thăng trầm, nhiều người không sống được bằng nghề đã chuyển sang nghề khác, nhưng bà vẫn kiên trì bám trụ lấy nghề cha ông để lại.
Bà Thuận nhớ lại, những năm 1970, quê mình được mệnh danh “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông. Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến năm 1984, dâu tằm bị “thất sủng”, Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén. Hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu truyền thống, chuyển sang trồng lúa. Hàng loạt thợ bỏ nghề.
Thương con tằm không nơi nương tựa, bà Thuận một mình âm thầm nâng niu từng nong kén, ngày ngày đạp xe đi xin lá dâu ngoài bờ bụi duy trì nghiệp tổ. Có lúc bà phải đạp xe hơn 20km xuống tận Nông trường Thanh Hà (tỉnh Hòa Bình) để lấy lá về cho tằm ăn. Cứ kiên trì như thế, việc trồng dâu nuôi tằm có dấu hiệu hồi phục, hàng xóm cũng học theo bà. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá và nhiều nơi trong huyện Mỹ Đức bắt dầu phục hồi.
Niềm vui chưa được bao lâu thì giá tằm rớt thê thảm, có khi bán không ai mua. Không khoanh tay đứng nhìn, bà Thuận lại quyết tâm đi tìm đầu ra cho tơ tằm. Lúc đầu bà tìm đến các làng nghề, tìm hiểu đầu ra, cùng họ hợp tác. Nhưng cách này cũng không lâu bền được. Trong lúc tưởng như bế tắc, bà lóe lên ý nghĩ mình đã trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ thì tại sao không làm thành một quy trình sản xuất khép kín, để tằm tự dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ?
Khai sinh phương pháp dệt lụa mới
Không chỉ chuyên tâm gìn giữ dệt lụa theo phương pháp truyền thống, trong quá trình nuôi tằm, qua quan sát và theo kinh nghiệm làm nghề lâu năm, bà Thuận đã tìm ra phương án dệt lụa mới bằng cách biến con tằm thành… “thợ dệt”. Bà Thuận tự nhủ, bản thân con tằm đã tự đan cho mình chiếc kén đẹp hoàn hảo thì tại sao lại không khiến chúng tự dệt nên những tấm chăn.
Ngày đêm bà Thuận mày mò bên những nong tằm, “huấn luyện”, điều khiển tằm dệt lụa. Bước đầu thử nghiệm, bà Thuận không làm tổ cho tằm mà để chúng nhả tơ một cách tự nhiên. Vài chục con tằm do không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn lại để cuốn kén mà cứ bò lung tung theo bản năng. Bà Thuận lại phải bắt vào, sắp xếp chúng thành hàng lối.
Ngày đêm bà Thuận quên ăn, quên ngủ trông coi, quan sát, những “thợ dệt” rút ruột, nhả tơ. Một năm với lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên cũng đã hoàn thành. Bà Thuận đưa vào nồi đun nấu, tấm chăn bung nở bông mịn, ấm áp đến lạ thường. Bà Thuận ôm tấm chăn của những “thợ dệt” tằm vào lòng, trào dâng hạnh phúc đến nghẹn ngào. Bởi từ đó, những con tằm đã biết ngóc đầu tự rút ruột nhả tơ trên một mặt phẳng theo sự sắp đặt.
Phương pháp dệt mền bông mới do bà Thuận sáng chế đã ra đời. “Tôi đã làm được sản phẩm tơ tằm từ việc dùng con tằm là những thợ dệt. Tôi tin nghề có thể tồn tại, vì thế quyết định tìm lối đi mới cho nghề. Tôi nghĩ làm sản phẩm do con tằm tự dệt là hướng đi rất tốt cho tơ tằm”, bà nói.
Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử: Chăn tơ do tằm tự dệt. Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền, chăn, các loại gối chất lượng cao. Sản phẩm của bà Thuận được người tiêu dùng đón chào nồng nhiệt. Đặc biệt, sản phẩm chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà Thuận đã có mặt ở khắp thị trường trong và ngoài nước. Cơ sở sản xuất của gia đình bà xuất khẩu sang những thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và đều được khách hàng ưa thích đặt hàng liên tục.
Những con đường mới
Bên cạnh tấm lòng đau đáu với nghiệp canh cửi, tằm tơ, bà Thuận còn được biết đến là con người “nặng lòng với sợi tơ sen”.
Cơ duyên đến với bà khi ý tưởng tạo ra sản phẩm dệt lụa từ tơ sen được Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Khánh đề xuất. Từ những ngày đầu năm 2017, bà đã bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm lụa tơ sen. Công đoạn tạo nên tơ sen rất khó khăn, phải làm sao kéo được sơi tơ trong cuống sen một cách cẩn thận, nhẹ nhàng để tơ không bị đứt, dùng tay cuộn nhiều sợi tơ sen trên mặt bàn ướt đến khi sợi tơ đủ dày. Mọi công đoạn từ lựa chọn cuống sen, rút sợi tơ đến việc dệt tơ sen thành tấm lụa đều phải rất kỳ công, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lượng và sự nhẫn nại của người làm.
Đến hết năm 2017, bà đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Bà kể: “Tháng 1/2017 tôi bắt đầu bước vào nghiên cứu, đến khi có những bông hoa sen lên thì tôi cắt lấy những cuống sen để thử nghiệm. Hết năm 2017 thì tơ sen đã bước đầu thành công và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Năm 2018 là quá trình hoàn thiện sản phẩm tơ sen”.
Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Bà Thuận đồng ý là người cùng thực hiện đề tài và kỳ vọng vào sự thành công. “Năm 2019, tôi đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, từ tơ sen đó đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Tơ sen sẽ dệt được ra những mét vải vô cùng quý giá và đẹp; bởi tơ sen là loại tơ thuần túy thanh tao nhất, sợi tơ sen đó đã tạo ra được bông hoa sen, nhụy hoa sen tỏa hương thơm rồi hạt sen. Có sợi tơ sen trong cuống sen mới đỡ được bông hoa sen giữa hồ nước”, bà Thuận chia sẻ.
Đây là bước ngoặt mới cho ngành dệt lụa tại nước ta bởi lần đầu tiên đã có người nghiên cứu tìm ra được sản phẩm lụa được dệt từ những sợi tơ sen, tìm ra con đường mới bên cạnh lụa tơ tằm vốn có xưa nay. Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang trên khắp cả nước. Việc phát triển lụa tơ sen cũng mở ra hướng đi mới cho các nhà thiết kế tại Việt Nam có được chất liệu mới mẻ, mềm mại thay cho những chất liệu tổng hợp.
Lớp học tiếp nối nghề truyền thống
Với nhiều người dân làng Phùng Xá, đặc biệt là những đứa trẻ nơi đây, bà Phan Thị Thuận còn là người thầy hướng dẫn cho các em tiếp nối nghề truyền thống của vùng quê mình. Bà chia sẻ: “Trong quá trình dạy và học, các em rất chú ý và làm đúng cách. Có những quy tắc, quy trình nhất định trong việc rút tơ sen, ban đầu có thể mọi người nghĩ đây là việc cần phải rất tỉ mỉ, cẩn thận và khó làm; nhưng từ quyết tâm của bản thân, các em học sinh đã làm được thành thạo và làm rất nhanh”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/day-tam-lam-tho-det-491301.html