Dạy thêm, học thêm là nhu cầu của ai?

Chuyện dạy thêm, học thêm luôn nóng, khi nghề 'đặc thù' này tràn lan khiến cả phụ huynh và học sinh bức xúc, xã hội lo lắng. Mấy ngày qua, từ nghị trường đến truyền thông báo chí, dạy thêm, học thêm - nóng chồng nóng!

Bước vào đầu cấp, học sinh bỡ ngỡ, để các em hiểu bài đòi hỏi giáo viên phải nắm vững chương trình, truyền đạt dễ hiểu, “mềm mại” khi kiểm tra. Khi trò biết, hiểu từ từ, giáo viên mới nâng dần yêu cầu. Không thể yêu cầu quá cao khi sự tiếp nhận bài học của mỗi em một khác, những em chưa tiếp nhận được bài giảng trên lớp thì chỉ còn một cách là đi học thêm... Trong trạng thái mọi hướng như nhau, ở lớp chính khóa “tốc độ cao”, sau tan học, kín lịch học thêm tại trường, sau “thêm” ở trường, tiếp tục “thêm” tại nhà riêng thầy cô. Nhu cầu học thêm có thật đó chứ, nhưng thật này, vì đâu nên nỗi?

Có người cho rằng, để tiếp thu nhanh kiến thức, kỹ năng nhờ chọn lọc của thầy cô dạy thêm. Thật ra, tự người học tóm lược lý thuyết, tự thực hành từ biết đến vận dụng - con đường phát triển phẩm chất và năng lực. Sự học, chạy theo phần ngọn rồi sao? Có em, sáng học 5 tiết, chiều 4 tiết học thêm ở trường, tối thêm 4 tiết tại nhà thầy cô. Nhìn em ăn vội bánh mì, tôi trăn trở học tích cực gì đây, sức khỏe em rồi sao?

Không chủ trương cấm dạy thêm, học thêm; quản lý chặt dạy thêm, học thêm; coi dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là nghề đặc thù. Tôi hiểu những điều ấy được cân nhắc khi đưa ra luận bàn, nhận kiến giải. Dạy thêm, học thêm như hiện nay là hệ lụy của chương trình từ bàn giấy, từ phương pháp dạy học “mì ăn liền”, từ chậm đổi mới quản lý dạy học, do chậm hơn “thi công” quản trị trường học, vì kiểm tra, thi cử với “mộng mơ” cộng dồn của thầy cô, học sinh, phụ huynh học sinh, càng xoay tít khi người cầm cân nóng vội, dùng thi ra lệnh thay đổi dạy, học, như lựa chọn cuối cùng khi các kế sách đã thực hiện và... rút kinh nghiệm sâu sắc? Đã thi thì có ôn thi, luyện thi; tung ra đề tham khảo, chiếu theo đó, dạy học chính khóa không đủ thì dạy thêm, học thêm ắt rộng đường.

Nhu cầu thật chứ - nhưng điều đó do thầy cô, do học sinh, do phụ huynh học sinh hay do quản lý ngành giáo dục? Không ai ngoài vòng trách nhiệm, song logic, nguồn cơn đến từ đâu? Quản chặt hay cấm dạy thêm, học thêm đòi hỏi quyết định cân não của cấp thẩm quyền. Nhưng chấp nhận dạy thêm, học thêm, nghĩa là lỏng trách nhiệm, là chọn dễ làm khó bỏ, không phù hợp với trăm năm dạy người!

Từ thực tiễn, lắng nghe đầy đủ, thật tâm cầu thị, thông tuệ chiến lược, để dạy học ở phần lớn các lớp thuộc bậc học phổ thông không phải dạy thêm, học thêm. Khó trước tiên thuộc về lãnh đạo ngành giáo dục, đột phá, nhận về đồng thuận lớn, “tàu phá băng” công suất đủ mạnh mới làm vỡ khối băng dạy thêm, học thêm.

Ai, việc gì, làm thế nào, rạch ròi luật, công khai thực hiện minh bạch đánh giá, loại bỏ vật cản, chăm lo đội ngũ nhà giáo, trong sạch quản lý giáo dục, gắn trách nhiệm phụ huynh học sinh, học sinh... Học sinh phổ thông phải khỏe khoắn, năng động, có hoài bão, chắc công nghệ, giỏi tiếng Anh, biết khởi nghiệp, hiểu và vận dụng học tập suốt đời. Từng thời điểm có tính tương đối, nhưng xuyên suốt - giá trị tuyệt đối. Vin vào nhu cầu dạy thêm, học thêm có thật thì mãi loay hoay lối mòn?

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/day-them-hoc-them-la-nhu-cau-cua-ai/