Dạy thêm: Quản hay cấm?

Dự kiến giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường, chỉ cần báo hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22-10-2024.

Phải báo hiệu trưởng

Được quan tâm nhất trong dự thảo là Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ quy định các trường hợp không được dạy thêm như Thông tư 17 ngày 16-5-2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Các quy định này bao gồm: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên (GV) đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó.

Theo quy định trong dự thảo, GV được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường, chỉ cần báo hiệu trưởng thay vì phải xin phép như hiện nay. Cụ thể, chỉ cần báo cáo và lập danh sách (họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Việc GV có thể được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường nhận được nhiều sự quan tâm của GV, phụ huynh cũng như các chuyên gia giáo dục.

Một GV thẳng thắn cho rằng Thông tư 17 cũng nêu không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó. Tuy nhiên, không cơ quan cụ thể nào giám sát, quản lý được việc dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường trong những năm qua. Vì thế, cấp học nào học sinh cũng phải học thêm và phần lớn đang học thêm với thầy cô dạy chính khóa của mình.

Không đáng phải ngăn cản

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nêu quan điểm: Bản chất dạy thêm, học thêm không đáng ngăn cản, không xấu nếu học sinh tự nguyện đi học và thầy cô dạy trên lớp nhiệt tình, đối xử bình đẳng giữa học sinh học thêm và không học thêm. Thực tế, với nền giáo dục nặng về thi cử, điểm số bằng cấp, chắc chắn học sinh phải đi học thêm để có kết quả thi cao nhất. Dạy thêm, học thêm chỉ xấu khi có một bộ phận GV ép buộc, lôi kéo, áp dụng chiêu trò giảng dạy trên lớp chính khóa để học sinh phải đến học thêm với mình.

Hiệu trưởng một trường THPT phân tích nếu nhìn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp 10 sẽ thấy phần lớn học sinh lớp 9 và 12 đều phải học thêm theo kế hoạch của trường và ở trung tâm gia sư, ở nhà thầy cô giáo để hy vọng trúng tuyển những trường mà mình đăng ký thi tuyển. Việc dạy thêm, học thêm cho học sinh cuối cấp nở rộ cả trong và ngoài nhà trường.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM) trong một giờ học trên lớp. Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM) trong một giờ học trên lớp. Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyên gia giáo dục Phạm Hiệp cũng cho rằng dạy thêm, học thêm là hiện tượng toàn cầu, không phải chỉ riêng Việt Nam, thậm chí ở một số nước, nhiều GV giỏi không làm việc ở các trường chính quy mà làm ở các trung tâm dạy thêm. Tuy nhiên, không nên cho GV dạy thêm đối với học sinh của mình, vì GV có thể lạm quyền của mình ở trên lớp để ép học sinh học thêm. Người dạy thêm không nên là người cho điểm học sinh trên lớp. Việc tổ chức học 2 buổi/ngày đã hạn chế dạy thêm, học thêm. GV không được dạy chính học sinh của mình cũng là cách hạn chế dạy thêm, học thêm. Các trường cần đổi mới trong kiểm tra, đánh giá tập trung cũng sẽ góp phần giảm bớt sự ép buộc.

Bà Văn Trịnh Quỳnh An, GV Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết theo quy định lâu nay, GV không được dạy thêm tự phát, không được dạy học sinh mà GV đang dạy chính khóa... nhưng GV có rất nhiều cách để dạy thêm, chẳng hạn thành lập công ty để yên tâm dạy thêm đúng luật, dạy thêm ở trung tâm và thỏa thuận mức chi phí.

Theo ông Lâm Vũ Công Chính, GV Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều học sinh, trong đó có những em chỉ quen học với thầy, cô dạy ở lớp nên muốn học thêm với chính những thầy, cô này là đương nhiên, chính đáng. Vì thế, dạy thêm, học thêm tồn tại từ nhiều năm nay. Lương chưa bảo đảm cuộc sống nên GV muốn dạy thêm để cải thiện thu nhập cũng là đương nhiên.

"Sống chung" chứ không nên cấm

Đây không phải là lần đầu Bộ GD-ĐT đặt vấn đề đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học. Theo các chuyên gia, đây là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nên tìm cách "sống chung" chứ không nên cấm.

Dự thảo có những quy định về điều này được nhiều chuyên gia nhận xét là rất ổn, chẳng hạn không nhất thiết GV không được dạy thêm học sinh đã dạy ở trường, cá nhân muốn dạy thêm thì đăng ký kinh doanh… Như vậy sẽ đưa dạy thêm vào hệ thống quản lý từ các cấp, xem dạy thêm là ngành nghề và phải cấp phép, giống bác sĩ được mở phòng mạch riêng thì GV cũng được mở lớp dạy thêm. Quy định vậy là rõ ràng, minh bạch, ở góc độ giáo dục là sự tôn trọng nghề nghiệp với GV, xem dạy thêm là ngành nghề hợp pháp. Tuy nhiên, dù dạy thêm trong hay ngoài nhà trường thì dự thảo nên "thoáng" và tinh gọn hơn với GV.

Hiệu trưởng một trường THCS cho biết nếu có thể bổ sung dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì đây là việc rất nên làm. Trong thực tế có nhiều GV ở trường công, có nhiều thời gian trống nên đi thỉnh giảng thêm ở các trường tư và chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu quản lý như ngành nghề kinh doanh thì sẽ mở đường cho GV đăng ký, dạy bao nhiêu học sinh, thu giá bao nhiêu và các cơ quan quản lý sẽ thu thuế. Nhưng mức thuế đối với hoạt động này cũng cần có đặc thù riêng, nếu quá cao thì vô hình trung lại đẩy áp lực về phía học sinh.

Khó báo cáo chi tiết

Ông Lâm Vũ Công Chính bày tỏ việc báo cáo chi tiết về dạy thêm, học thêm trong thực tế sẽ khó thực hiện. Chẳng hạn, GV báo cáo có 10 học sinh học thêm, sau tăng mỗi ngày vài em cũng phải báo cáo. Chức năng của nhà trường là quản lý chuyên môn, nên quy định rườm rà sẽ nảy sinh tình trạng "canh me" nhau. Để quản lý dạy thêm, học thêm, nên đưa vào các quy định xin cấp phép đối với hộ kinh doanh cá thể, với những điều kiện bảo đảm, thủ tục cần tinh gọn hơn việc xin giấy phép hoạt động của trung tâm bồi dưỡng văn hóa. GV cam kết thực hiện các yêu cầu với đơn vị quản lý giáo dục và ban ngành liên quan. Ví dụ, kinh doanh ăn uống cần cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không cần thiết phải trình thực đơn để xin cấp phép.

Yến Anh - Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-them-quan-hay-cam-196240824191432401.htm