Đẩy tiến độ cấp mỏ vật liệu làm cao tốc

Theo quy định mới, thời gian cấp mỏ vật liệu cho nhà thầu có thể rút ngắn được 2/3 so với thực hiện theo thủ tục thông thường (khoảng 120 ngày).

Công tác cấp phép mỏ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ghi nhận những tín hiệu tích cực sau chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và tinh thần vào cuộc rốt ráo của các bộ, ngành, địa phương.

Rút ngắn thủ tục theo hướng dẫn mới

Sau khi Bộ TN&MT ban hành các văn bản hướng dẫn, trình tự thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cơ bản không còn vướng mắc.

Sau khi Bộ TN&MT ban hành các văn bản hướng dẫn, trình tự thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cơ bản không còn vướng mắc.

Tháng 7/2023, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đón tin vui khi UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) ban hành hướng dẫn nhà thầu quy trình thủ tục theo hướng dẫn mới tại văn bản 4766 của Bộ TN&MT.

Một lãnh đạo ban điều hành dự án (Ban QLDA 2) cho biết, theo kế hoạch được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, thời gian cấp mỏ cho nhà thầu có thể rút ngắn được 2/3 so với thực hiện theo thủ tục thông thường (khoảng 120 ngày).

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu dự án) cho biết, tổng nhu cầu đất đắp của dự án cần hơn 13.000.000m3, khối lượng cát cần hơn 1.400.000m3, vật liệu đá cần gần 2.000.000m3.

Ngoại trừ vật liệu đá được tận dụng từ đào hầm và các mỏ thương mại, riêng ở phía tỉnh Quảng Ngãi, nhà thầu đang lập hồ sơ xin cấp phép 11 mỏ đất với tổng công suất khoảng 9.000.000m3.

Đến nay, tỉnh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với tổng công suất 1.000.000m3; 3 mỏ đang thẩm định đánh giá tác động môi trường, dự kiến cấp phép khai thác trước ngày 30/7/2023; 7 mỏ đang thực hiện các thủ tục xin cấp phép.

Về mỏ cát, nhà thầu sử dụng 5 mỏ thương mại (350.000m3). Phần còn thiếu đang thực hiện thủ tục xin cấp phép 1 mỏ với trữ lượng 570.000m3.

Chỉ huy thi công gói thầu XL12 dự án đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, ông Đàm Đức Ngọc, cán bộ thuộc Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường vui mừng chia sẻ với PV báo Giao thông: “Sau những công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ TN&MT, tiến độ xem xét thủ tục cấp phép mỏ đặc thù ở địa phương đã được đẩy lên rất nhanh”.

Tính toán cho thấy, tổng nhu cầu đất đắp nhà thầu Xuân Trường cần huy động thi công XL12 dự án Hàm Nghi - Vũng Áng và gói thầu XL11 dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi là hơn 3.000.000m3.

Nhà thầu đã làm thủ tục xin cấp phép 3 mỏ với trữ lượng hơn 3.000.000m3. Hiện tại, thủ tục đã cơ bản xong, dự kiến đến khoảng ngày 30/9/2023, đơn vị thi công có thể tiếp cận khai thác mỏ.

Riêng vật liệu cát, nhu cầu hai gói thầu của Xuân Trường cần khoảng 500.000m3. Khoảng 300.000m3 trong đó dự kiến mua thương mại. Khối lượng còn lại, nhà thầu đang xin cấp phép mỏ Kỳ Lạc để khai thác.

Thuận lợi hơn các dự án thành phần khác về nguồn đất đắp, song Tổng công ty 36 - đơn vị tham gia thi công gói thầu XL1 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh lại đang gặp vướng mắc về nguồn vật liệu cát.

Ông Võ Văn Ba, Giám đốc điều hành gói thầu cho biết, nhu cầu về vật liệu cát của đơn vị khoảng 10.000m3. Theo phương án ban đầu, cát thi công sẽ được lấy từ 5 mỏ. Tuy nhiên, khi nhà thầu tiếp cận thi công, có 4/5 mỏ đã đóng cửa. Nhà thầu, chủ đầu tư đang phối hợp cùng một doanh nghiệp xin địa phương cấp mỏ cát tận thu khu vực huyện Bố Trạch.

Chậm do thủ tục đất đai

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, sau khi Bộ TN&MT ban hành các văn bản hướng dẫn, làm rõ hơn trình tự, thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, trình tự thủ tục cơ bản không còn vướng mắc. Tuy nhiên tiến độ cung ứng cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 còn chậm so với yêu cầu.

Khó khăn nhất hiện nay là các mỏ thuộc khu vực đất do tư nhân quản lý, mức giá thỏa thuận cao hơn đơn giá đền bù hỗ trợ của Nhà nước. Chủ sở hữu yêu cầu chuyển nhượng hoặc thuê toàn bộ diện tích mỏ lớn hơn diện tích cần khai thác, trong khi các quy định của pháp luật hiện chưa có chế tài để xử lý.

Một thách thức khác là một số mỏ qua khu vực rừng trồng cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên địa phương không có quỹ đất trồng rừng thay thế, phải nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

Theo quy định, thủ tục này rất phức tạp, chẳng hạn như UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN); Bộ NN&PTNN rà soát các tỉnh khác trên cả nước có nhu cầu, yêu cầu tỉnh có nhu cầu lập dự toán kinh phí trồng rừng và phê duyệt, xác nhận cho địa phương cần nộp tiền về quỹ; sau khi việc nộp tiền hoàn tất mới quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Điển hình, tỉnh Bình Định đã gửi hồ sơ đến Bộ NN&PTNT từ tháng 3/2023. Tuy vậy, đến nay (khoảng 96 ngày) chưa xong thủ tục thông báo số tiền trồng rừng thay thế phải nộp.

Sắp hết hạn cơ chế đặc thù áp dụng hai năm

Nhấn mạnh cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường thi công cao tốc chỉ được Quốc hội cho phép áp dụng trong hai năm 2022 và 2023, theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các địa phương cần khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để thông qua trong kỳ họp HĐND tháng 7/2023 đối với các mỏ đã trình; trong kỳ họp cuối năm 2023 đối với các mỏ còn lại, bảo đảm hoàn thành toàn bộ thủ tục khai thác mỏ trong năm nay.

Ông Minh cho biết, theo Luật Đất đai hiện hành, mỏ VLXD thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, buộc phải thực hiện theo hình thức thuê hoặc chuyển nhượng với giá thỏa thuận.

Trong bối cảnh Nhà nước chưa có chế tài can thiệp vào mức giá thỏa thuận, các địa phương cần thành lập tổ công tác phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định, không để đầu cơ, nâng giá, ép giá.

“Riêng với công tác trồng rừng thay thế, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu cơ chế cho tạm nộp một khoản tiền nhất định. Khi nào tìm được nơi trồng, kinh phí thực tế ra sao sẽ tiếp tục tính toán theo hướng thực thanh, thực chi”, ông Minh nêu quan điểm.

Giải quyết nguồn cung vật liệu cho các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT tham mưu ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18.

Trong đó, cho phép UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực ĐBSCL.

Ninh Cơ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/day-tien-do-cap-mo-vat-lieu-lam-cao-toc-d598403.html