Dạy tiếng Anh nên chọn 'thầy Ta' hay 'thầy Tây ba lô'?
Nhiều chứng chỉ quốc tế về ngôn ngữ chỉ là một chuẩn theo bộ đánh giá của một tổ chức nào đó, chúng ta không thể dùng chứng chỉ đó để đánh giá hết về thầy cô.
“Có không ít thầy cô, học sinh, cha mẹ học sinh thường đặt mục đích học ngoại ngữ phục vụ thi là chủ yếu, chưa nghĩ đến mục tiêu quan trọng là dạy và học ngôn ngữ. Các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ở mỗi cấp học chưa thực sự được chú trọng.
Để thực hiện được mục tiêu dạy đủ các kỹ năng đó thì vai trò người thầy rất quan trọng. Nhiều địa phương yêu cầu giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt được một chứng chỉ quốc tế nào đó. Theo tôi đây là một cách kiểm tra khá hay, bám một chuẩn quốc tế làm căn cứ.
Do quá trình đào tạo về mặt lịch sử để lại, giáo viên chưa có được đủ các thế mạnh để dạy giỏi, thạo các kỹ năng của môn ngoại ngữ, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói, đọc. Nhưng về mặt chuyên môn nghiệp vụ đều được đào tạo bài bản, nên những giáo viên này hoàn toàn thực hiện được mục tiêu giáo dục với môn học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, có những bộc lộ khá lớn của một số giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay, đó là kĩ năng nghe, nói. Học sinh của ta hiện nay, đặc biệt là khối Tiểu học và Trung học cơ sở, ta thấy rõ sự hình thành dần về kỹ năng phát âm, các con hoàn toàn phụ thuộc vào việc các thầy cô phát âm có chuẩn hay không.
Còn về ngữ pháp thì giáo viên Việt Nam rất tốt, thông qua kết quả các kì thi của học sinh môn ngoại ngữ chúng ta thấy được điều này. Tuy vậy, hầu hết đó là các bài thi về ngữ pháp, kỹ năng viết”. Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Có nên dùng hoàn toàn giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ?
Nếu chúng ta thay thế hoàn toàn giáo viên dạy ngoại ngữ người Việt Nam bằng giáo viên người nước ngoài thì cái được và chưa được là gì? Về vấn đề này, thầy Cường nói: “Cái lợi lớn nhất là học sinh sớm được tiếp cận với kĩ năng phát âm chuẩn của giáo viên nước ngoài. Được tiếp cận với nền văn hóa của những giáo viên đó, nó tác động sớm đến sự hình thành kĩ năng nghe, nói rất tự nhiên, tự tin của học sinh. Đó là những điều không thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thấy có thể có một số bất lợi ở một vài khía cạnh. Thứ nhất: Với góc độ quản lý nhà nước, những giáo viên người nước ngoài đó cần phải có một cơ quan xác nhận về pháp nhân, về trình độ sư phạm, các cam kết về thực hiện nội dung giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, có yếu tố giáo viên nước ngoài, nếu không quản lý tốt, không chặt chẽ trong các khâu thẩm định, phê duyệt thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mặt lối sống, truyền bá những tư tưởng, yếu tố chính trị không phù hợp với quy định của nhà nước.
Thứ hai: Với một lượng giáo viên người nước ngoài nhiều như vậy sẽ đi kèm với các điều kiện liên quan như chế độ về lương, điều kiện sinh hoạt tại Việt Nam để công tác lâu dài. Vậy nguồn tài chính này lấy từ đâu để chi trả?
Thứ ba: Đối tượng và sĩ số học sinh rất quan trọng. Nếu giảng dạy hoàn toàn môn ngoại ngữ bằng người nước ngoài, không có giáo viên người Việt thì rất cần sự tương đồng về trình độ của người học trong một lớp, và sĩ số đảm bảo không quá tải. Những lớp ngoại ngữ có sĩ số học sinh ít sẽ rất hiệu quả, học sinh có cơ hội được thể hiện khả năng của mình và cũng được giáo viên quan tâm đánh giá, sửa chữa giúp.
Tuy vậy, ý tưởng đưa giáo viên người nước ngoài vào giảng dạy môn ngoại ngữ ở các trường là rất hay. Nếu như trường chúng tôi được thử nghiệm thì tỷ lệ sẽ là 50/50, có nghĩa ½ giáo viên người Việt Nam để trợ giảng, bởi các thầy cô người Việt ngoài được đào tạo về chuyên môn, còn được đào tạo về tâm lí học, giáo dục học, hiểu văn hóa, nếp sinh hoạt, hiểu lứa tuổi... của học sinh. Bên cạnh đó, với những sự không đồng đều, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi, nhiều khi cũng cần sự giải thích, kèm cặp bằng tiếng Việt”.
Thầy Cường nhấn mạnh: “Nếu giáo viên nước ngoài dạy, chúng ta phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá, bởi nếu không thay đổi thì đâu đó có những học sinh cuối cấp học, chuẩn bị thi vào lớp 10 đại trà, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông… nhưng cha mẹ học sinh lại có những suy nghĩ khác, có thể họ cho kĩ năng nghe, nói khuyết đi một chút, nhưng tăng cường luyện ngữ pháp, luyện bài tập đi kèm để thi đạt điểm cao. Đó cũng là bất cập”.
Không nên đánh giá giáo viên thông qua một chứng chỉ quốc tế
Có ý kiến cho rằng nếu triển khai rộng rãi việc học tiếng Anh với người nước ngoài, học qua mạng… học sinh thi được chứng chỉ quốc tế công nhận, vậy có cần phải học chương trình tiếng Anh trong nhà trường nữa hay không? Thầy Cường cho biết: “Có không ít phụ huynh đưa ra một kênh đánh giá so sánh mà theo tôi là không chuẩn.
Ví dụ: Con của họ đạt chứng chỉ IELTS 8.0, trong khi giáo viên dạy tiếng Anh cho con mình ở trường chỉ có IELTS 5.0 hoặc có thể chưa có, và cha mẹ học sinh cho rằng con của họ giỏi hơn giáo viên, như vậy là thầy cô không thể dạy được con tôi.
Chúng ta phải hiểu đúng một điều, nhiều chứng chỉ quốc tế về ngôn ngữ chỉ là một chuẩn theo bộ đánh giá của một tổ chức nào đó, chúng ta không thể dùng chứng chỉ đó để đánh giá hết về thầy cô. Bên cạnh đó, các thầy cô, những người ngoài kỹ năng về chuyên môn, họ là người được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm và có phương pháp để giáo dục học sinh. Thực tế, nhiều thầy cô không cần có trong tay một chứng chỉ quốc tế nào nhưng họ vẫn đào tạo được nhiều thế hệ học sinh thi đạt chứng chỉ quốc tế, thậm chí là những chứng chỉ có điểm số rất cao.
Chính vì vậy, cho dù học sinh đạt được một chứng chỉ quốc tế được công nhận tại Việt Nam vẫn phải tham gia việc học tập ngoại ngữ tại trường phổ thông. Nó phù hợp với yêu cầu của chương trình tổng thể của một cấp học. Mục tiêu của giáo dục cấp học không chỉ là một môn học, nó còn là việc đào tạo được một con người có phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng phù hợp yêu cầu của cấp học đó và chuẩn mực của xã hội”.
Không ít giáo viên nước ngoài có ngữ pháp kém
Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Bích Hà - Cựu giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội). Cô Hà chia sẻ: “Không chỉ giáo viên dạy ngoại ngữ mà hầu như tất cả các giáo viên của chúng ta đều dạy kiến thức với mục đích để học sinh vượt qua các kì thi, mà chưa chú trọng đến việc dạy kiến thức thực tế.
Nhưng nếu mời giáo viên nước ngoài vào thay thế giáo viên Việt Nam để dạy ngoại ngữ cho học sinh, theo tôi cũng không hẳn là giải pháp tốt. Nhiều học sinh của chúng ta hiện nay được gia đình cho học tiếng Anh từ rất sớm, vào lớp nói trôi chảy, rất giỏi. Nhưng cũng có nhiều em rất kém, nói mãi không được một câu, vậy bây giờ ta áp dụng dạy đại trà bằng tiếng Anh như vậy thì liệu tất cả học sinh có theo kịp được hay không? Đó là điều cần phải bàn nghiêm túc, nếu không sẽ lại là “bệnh” thành tích".
Cô Hà nói: "Nếu nói mời giáo viên nước ngoài vào để dạy bởi giáo viên người Việt không đáp ứng được một khía cạnh nào đó, theo tôi là không phải bởi giáo viên của ta hiện nay rất giỏi, có trình độ, chuyên nghiệp hơn, có tâm, để ý tới từng hoàn cảnh học sinh.
Tôi thấy hiện nay ở một số trường đại học, họ mời được đội ngũ giáo viên nước ngoài có trình độ cao, chuyên nghiệp vào trường để luyện IELTS cho sinh viên, việc này họ làm bài bản và kết quả sinh viên sẽ có trình độ tốt, nhưng tất nhiên là chi phí sẽ cao.
Mời giáo viên nước ngoài vào dạy nhưng không phải ai cũng có trình độ sự phạm, ngay như một số trung tâm ngoại ngữ hiện nay mang tiếng là giáo viên nước ngoài dạy nhưng thực chất đó là sinh viên, là khách du lịch qua Việt Nam chơi trong thời gian ngắn, kết hợp dạy thêm tiếng Anh để kiếm tiền, nghe thì oách nhưng không có thực chất, bởi không phải cứ nói tiếng Anh tốt là dạy tốt được đâu. Nói tốt và dạy tốt là 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn. Họ cứ nói thao thao như vậy nhưng kết quả sau giờ học đó học sinh thu nhập được cái gì mới là quan trọng.
Nhiều giáo viên bản ngữ nói chưa tốt, hoặc nói tốt nhưng ngữ pháp kém, không tâm huyết, hoặc kỹ năng sư phạm không cao do chưa qua các trường lớp đào tạo. Những điều đó khiến cho học sinh học sai, dẫn đến tiếp thu kém. Mang tiếng học giáo viên nước ngoài nhưng có khi hết một chương trình mà vẫn chưa đọc thông viết thạo, trong khi chi phí một giờ học như vậy khá cao, đó là thực tế.
Hơn nữa, khả năng nghe và nói của học sinh chưa tốt nên nhiều em cảm thấy ngại khi nói ra. Sợ sai, sợ người khác cười mình là một trong những yếu tố dẫn đến điều đó. Đối với giáo viên người nước ngoài thì việc nắm bắt thông điệp với học sinh vẫn còn hạn chế do khác biệt về ngôn ngữ, chính điều này gây nên tâm lý ái ngại, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Ở Việt Nam, chúng ta học tiếng Anh không chỉ để giao tiếp với người nước ngoài mà còn để vượt qua các kỳ thi, chứng chỉ trong nước. Nội dung, hình thức của các bài thi này hoàn toàn khác quan điểm với giáo viên nước ngoài. Vì vậy, các giáo viên này khó có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Đây là điều không phải hiếm khi xảy ra và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này”.