Dạy trẻ kỹ năng gì để đối phó với tình huống bị người lạ dụ dỗ
Thời gian qua đã có không ít vụ việc học sinh bị người lạ dụ dỗ, lấy đồ dùng có giá trị khi vừa ra khỏi cổng trường. Cha mẹ cần lưu ý những biện pháp gì để phòng tránh các tình huống tương tự xảy ra.
Mới đây, một học sinh tại TP. HCM đã bị người phụ nữ lạ mặt dụ dỗ chở đi và lấy hết đồ dùng giá trị mang theo khi vừa ra khỏi cổng trường. Theo thông tin ban đầu, khi vừa rời khỏi cổng Trường Tiểu học Trương Định (quận 10, TP. HCM), một học sinh lớp 5 của trường này đã bị một người phụ nữ lạ mặt, xưng là phó hiệu trưởng một trường tiểu học khác đề nghị em lên xe đi gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi việc học tập của em.
Trường Tiểu học Trương Định, quận 10, TP. HCM. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau khi đi được một đoạn đường, người phụ nữ này đã dừng xe, yêu cầu em viết những thứ em mang theo. Khi học sinh này đang viết thì người phụ nữ đã lục lọi, lấy các tài sản có giá trị. Lấy đồ xong, người phụ nữ này đã chở em học sinh đến một trường tiểu học khác nằm trên địa bàn quận 10 và yêu cầu em học sinh vào gặp giáo viên trong trường.
Sự việc chỉ được phát hiện, khi thầy cô giáo của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 10) cho học sinh này mượn điện thoại để thông báo cho phụ huynh về sự việc. Sau khi được giáo viên của hai trường trao đổi, trấn an tinh thần, học sinh đã được phụ huynh đến đón về.
Qua vụ việc trên, Trường tiểu học Trương Định cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, trường đã thông tin và rút kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường. Cùng đó, gửi thông tin cảnh báo đến phụ huynh.
Theo Chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu, điều cốt lõi để bảo vệ trẻ em khỏi các tình huống xấu đó là việc giáo dục kỹ năng vì cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ, trông coi trẻ.
Cha mẹ hãy trao đổi với trẻ về các tình huống có thể xảy ra và hậu quả của nó theo một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ. Cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, cần phải thông báo ngay sự việc cho cha mẹ. Nếu bị người lạ lôi kéo, dắt đi thì phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.
Với trường hợp trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn, cha mẹ hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt và đi cùng với nhóm bạn. Những đối tượng có ý đồ xấu thường nhắm mục tiêu khi trẻ đi một mình.
Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ nên trông trẻ cẩn thận, tránh để trẻ tự ý ra ngoài mà không có sự giám sát của người thân. Đáng chú ý, cha mẹ cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Bởi hiện nay tội phạm thường "săn mồi" ngay từ các trang mạng xã hội.
Đặc biệt, cần cho con thực hành bằng các tình huống giả định. Thậm chí, cha mẹ có thể nhờ người "dụ dỗ" con, sau đó đưa ra bài học, phải biến mọi hoạt động của con thành ý thức, thói quen.