Dạy trẻ kỹ năng ứng phó trước thông tin tiêu cực trên mạng xã hội

Hiện nay, nhiều học sinh có tài khoản mạng xã hội (MXH), bên cạnh các giá trị tích cực thì việc sử dụng MXH cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, mất an toàn đối với trẻ. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện là vấn đề cần được quan tâm. Những người thường xuyên gần gũi nhiều với các em là phụ huynh, các thầy, cô giáo cần quan tâm nhiều hơn trong việc định hướng, giáo dục kỹ năng cho trẻ.

Ảnh minh họa: P.Liễu

Ảnh minh họa: P.Liễu

Người lớn cần chú ý thông tin đến các em về công tác quản lý MXH, thông tin cho các em biết về những việc không nên làm, những việc cần tránh khi dùng MXH. Cần dạy cho trẻ các kỹ năng ứng phó trước các tình huống như: khi gặp những clip, hay hành vi xấu trên MXH, trẻ phải biết kiểm soát cảm xúc; không nên tò mò, hiếu kỳ.

Ngoài ra, người lớn cần quan tâm dạy trẻ cách đánh giá tính xác thực thông tin trên không gian mạng, biết cẩn trọng trước thông tin hay hình ảnh mà mình tiếp cận trên mạng. Nghiên cứu và đánh giá tính xác thực của thông tin trước khi chấp nhận hoặc chia sẻ. Nếu có thể, hãy tìm nguồn thông tin đáng tin cậy để xác minh thông tin.

Bên cạnh đó, người lớn cần giúp các em chủ động bảo vệ bản thân khi dùng MXH. Điều này thể hiện qua việc đảm bảo các em đã cài đặt bảo mật phù hợp trên tài khoản MXH của mình. Bao gồm việc đảm bảo rằng, không cho ai biết thông tin cá nhân (ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại, địa chỉ nhà, trường học…); chỉ những người quen biết mới có thể tương tác trên MXH...

Song song đó, trẻ cần được dạy cách tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp những nội dung không lành mạnh hoặc vi phạm một cách nghiêm trọng các quy định trên các trang mạng thì cần báo cáo cho nền tảng MXH. Hiện các nền tảng MXH đều cho người dùng thông báo, cung cấp thông tin về các hoạt động phản cảm trên MXH. Người dùng có thể báo cáo nội dung bất hợp pháp hoặc vi phạm chính sách của nền tảng MXH để đơn vị chức năng xử lý. Các em sẽ làm tốt điều này nếu được người lớn quan tâm, định hướng tốt.

Việc ngăn chặn và kiểm soát hành vi xấu trên mạng không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Tạo một môi trường trực tuyến lành mạnh là trách nhiệm chung, do vậy bản thân người dùng mạng, trong đó có trẻ em cũng phải ý thức cùng đóng góp xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh, tôn trọng và đấu tranh chống lại hành vi xấu; đóng góp tích cực bằng cách lựa chọn chia sẻ nội dung tích cực và thiết lập một thái độ tôn trọng trong cuộc trò chuyện trực tuyến.

Võ Văn Minh(TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/day-tre-ky-nang-ung-pho-truoc-thong-tin-tieu-cuc-tren-mang-xa-hoi-3172764/