Dậy từ 2 giờ sáng, chờ 8 tiếng mới khám xong, người bệnh mạn tính mong Thông tư 26 sớm triển khai trong thực tế

Từ ngày 1/7/2025, Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành chính thức có hiệu lực, cho phép người mắc các bệnh mạn tính được kê đơn thuốc ngoại trú kéo dài hơn 30 ngày, tối đa lên đến 90 ngày, thay thế quy định cũ vốn chỉ giới hạn 30 ngày.

 Bà Nguyễn Thị Xan dậy từ 2 giờ sáng, chờ 8 tiếng mới khám bệnh xong

Bà Nguyễn Thị Xan dậy từ 2 giờ sáng, chờ 8 tiếng mới khám bệnh xong

Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi

Với những người mắc bệnh mạn tính, việc đi khám và lấy thuốc định kỳ hàng tháng từ lâu đã là một gánh nặng. Bà Đặng Thị Hồng (SN 1947, trú tại phường Nghĩa Đô mới, Hà Nội), mắc bệnh đái tháo đường, là một ví dụ điển hình.

Bà kể, mỗi tháng đều phải đi khám và lấy thuốc định kỳ. Dù nhà chỉ cách Bệnh viện E khoảng 3km, Bệnh viện Tim Hà Nội khoảng 7km, bà vẫn phải dậy từ 3 giờ sáng, gọi taxi đi từ 4 giờ để đến bệnh viện sớm. "Đi sớm cho đỡ đông, được khám từ đầu giờ", bà Hồng giải thích. Theo bà, từ 5 giờ sáng đã rất đông người đi khám bảo hiểm y tế (BHYT), chủ yếu là người cao tuổi, họ đến xếp hàng trật tự chờ đến 7 giờ sáng bắt đầu lấy số thứ tự.

Bà Đặng Thị Hồng (SN 1947, trú tại phường Nghĩa Đô mới, Hà Nội) điều trị bệnh đái tháo đường theo diện BHYT.

Bà Đặng Thị Hồng (SN 1947, trú tại phường Nghĩa Đô mới, Hà Nội) điều trị bệnh đái tháo đường theo diện BHYT.

Không chỉ mất công sức đi lại, việc khám chữa bệnh định kỳ hàng tháng còn ảnh hưởng đến các kế hoạch cá nhân của bà Hồng. Bà kể, mỗi khi có lịch về quê hoặc đi chơi xa, bà cũng phải sắp xếp lấy đủ thuốc hoặc về đúng ngày đi khám lấy thuốc định kỳ, điều này gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống.

Chính vì gặp nhiều bất tiện khi phải đi khám và lấy thuốc hàng tháng, nên khi xem thời sự trên tivi và được chồng chia sẻ thêm thông tin về quy định mới của Bộ Y tế, bà Hồng rất phấn khởi.

Theo đó, từ ngày 1/7/2025, Thông tư 26/2025/TT-BYT chính thức có hiệu lực, cho phép người mắc các bệnh mạn tính được kê đơn thuốc ngoại trú kéo dài tối đa 90 ngày, thay vì chỉ 30 ngày như trước.

"Quãng thời gian đó đủ dài để không ảnh hưởng kế hoạch về quê, giỗ Tết và cũng giảm bớt chi phí đi lại trong năm", bà Hồng chia sẻ. Do không thể đi xe đạp hay xe máy, bà mất thêm một khoản chi phí do phải gọi xe công nghệ.

Hiện toa thuốc hàng ngày của bà lên tới gần chục loại, cả thuốc điều trị lẫn thuốc bổ trợ. Tuy nhiên, bà không lo bị nhầm lẫn nhờ có hướng dẫn sử dụng rất cụ thể từ y bác sĩ. Vốn là người cẩn thận, bà Hồng luôn buộc từng vỉ, từng hộp thuốc ngay ngắn, chia sẵn theo ngày, theo từng lần uống - đảm bảo dùng đúng và đủ liều lượng.

"Tôi rất hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh và sự tận tình của các y bác sĩ nơi mình điều trị định kỳ. Thông tư 26 cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi", bà Hồng bày tỏ.

Các loại thuốc điều trị đái tháo đường được kê theo đơn ngoại trú dài ngày.

Các loại thuốc điều trị đái tháo đường được kê theo đơn ngoại trú dài ngày.

Không chỉ người cao tuổi, những bệnh nhân trong độ tuổi lao động cũng cảm nhận rõ sự thuận lợi từ chính sách mới. Ông T.K.H. (SN 1965, trú tại phường Định Công mới, Hà Nội), mắc đái tháo đường 7 năm nay, cho biết ông rất đồng tình với quy định mới của Bộ Y tế cho phép kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 90 ngày. Trước đây, ông phải đều đặn đến bệnh viện mỗi tháng 1 lần để khám, xét nghiệm máu và lấy thuốc, nhưng mỗi lần như vậy thường mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.

"Thuốc điều trị của tôi giờ khá ổn định, uống đều đặn đã thành thói quen nên không lo quên. Việc được cấp thuốc dài ngày giúp tiết kiệm chi phí đi lại, miễn là người bệnh tuân thủ đúng liều và bảo quản thuốc cẩn thận", ông H. chia sẻ.

Mong quy định mới sớm được triển khai

Bà Nguyễn Thị Xan (SN 1947, trú tại phường Vinh Lộc mới, tỉnh Nghệ An), một bệnh nhân đái tháo đường 23 năm nay, là một ví dụ điển hình cho những bất cập trong những ngày đầu Thông tư 26 có hiệu lực.

Sáng ngày 2/7/2025, một ngày sau khi quy định mới chính thức có hiệu lực, bà Xan dậy từ 2 giờ sáng, đạp xe hơn 2km đến Bệnh viện Quân y 4 để lấy số khám. Khi đến nơi, hàng trăm bệnh nhân khác cũng đã chờ sẵn, khiến bà phải mất gần 8 tiếng đồng hồ mới hoàn tất quy trình khám, xét nghiệm và nhận thuốc.

Dù thông tư mới cho phép kê đơn tối đa 90 ngày, nhưng việc thăm khám tại bệnh viện vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. "Việc đi khám rất vất vả, nhất là với người già như tôi"- bà Xan than thở.

Đáng chú ý, dù Thông tư 26/2023/TT-BYT quy định bác sĩ có thể kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đơn thuốc do Bệnh viện Quân y 4 cấp cho bà Xan ngày 2/7/2025, thời hạn chỉ định vẫn là 1 tháng, với lịch hẹn tái khám vào ngày 30/7/2025. Bà được kê ba loại thuốc (Metformin, Wosulin 30/70 và Gliclazid) cùng kim tiêm Insulin, với liều dùng chia theo ngày, chưa kê dài ngày hơn theo quy định mới.

Đơn thuốc của bà Nguyễn Thị Xan được cấp tại Bệnh viện Quân y 4 vào ngày 02/07/2025, với lịch hẹn tái khám vào ngày 30/07/2025.

Đơn thuốc của bà Nguyễn Thị Xan được cấp tại Bệnh viện Quân y 4 vào ngày 02/07/2025, với lịch hẹn tái khám vào ngày 30/07/2025.

Việc phải đi khám hàng tháng đã gây ra nhiều bất tiện cho bà Xan, đặc biệt khi bà tuổi cao và sức khỏe yếu. Có những tháng, bà buộc phải tự mua thuốc để điều trị tại nhà vì sức khỏe yếu không thể đi khám đúng hẹn. Dù được hưởng bảo hiểm y tế 100% do là thương binh và nhiễm chất độc da cam, bà Xan vẫn gặp khó khăn vì sự bất tiện của quy định cũ.

"Thông tư 26 là một chủ trương tốt, đặc biệt với những người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính như tôi. Tôi chỉ mong quy định này được thực hiện ở tất cả các bệnh viện để người bệnh già yếu, sức khỏe kém thoát được cảnh mất thời gian đi lại, đợi chờ", bà Xan bày tỏ.

Quy định mới này không chỉ giúp giảm tải cho các cơ sở y tế mà quan trọng hơn, nó mang lại sự chủ động và tiện lợi cho người bệnh mạn tính, giúp họ yên tâm điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả và đáp ứng được kỳ vọng của người dân, đặc biệt trong thời gian đầu triển khai, cần có sự rõ ràng, đồng bộ trong việc áp dụng tại các cơ sở y tế.

Theo Thông tư 26/2025/TT-BYT, người mắc bệnh mạn tính thuộc danh mục 252 bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú với thời gian sử dụng vượt quá 30 ngày, tối đa lên đến 90 ngày, tùy theo tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định. Danh mục này bao gồm nhiều bệnh phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp, COPD, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, Parkinson, các loại ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến giáp...

Đáng chú ý, Thông tư cũng bổ sung quy định cụ thể về việc kê đơn thuốc gây nghiện giảm đau cho bệnh nhân ung thư đang điều trị tại nhà. Trước đó, theo Thông tư 52/2017, quy định thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa là 30 ngày.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/day-tu-2-gio-sang-cho-8-tieng-moi-kham-xong-nguoi-benh-man-tinh-mong-thong-tu-26-som-trien-khai-trong-thuc-te-20250708132201173.htm