ĐB HĐND Đà Nẵng kiến nghị 'giải mật' kết luận của TTCP về sai phạm đất đai
Theo đại biểu Lê Xuân Hòa (quận Sơn Trà), mặc dù TP.Đà Nẵng thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ đã 7 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong các nội dung của kết luận liên quan đến các sai phạm quản lý đất đai gây ra những khó khăn trong các chính sách phát triển cho thành phố.
Sáng ngày 10.7, kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận chung tại hội trường. Những vấn đề nóng của Đà Nẵng như ô nhiễm môi trường, xây dựng các thiết chế văn hóa, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tình hình trật tự đô thị, quản lý cấp phép xây dựng… được các đại biểu nêu ra thảo luận và ý kiến.
Đặc biệt tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Xuân Hòa (quận Sơn Trà) có ý kiến liên quan đến kết quả thực hiện đối với Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ và kiến nghị cần công khai, thông tin để tạo đồng thuận, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho TP phát triển tiếp.
Theo đại biểu Hòa, mặc dù TP.Đà Nẵng thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ đã 7 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong các nội dung của kết luận liên quan đến các sai phạm quản lý đất đai gây ra những khó khăn trong các chính sách phát triển cho thành phố.
Nguyên nhân được đại biểu Hòa đưa ra là do pháp luật về quản lý đất đai đã thay đổi qua từng thời kỳ, nhất là sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, một số nội dung không còn phù hợp. Đặc biệt, việc nhiều dự án được triển khai trong một thời gian dài, nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng, chuyển đổi dự án qua nhiều lần. Vì vậy, việc xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ cũng như thực hiện theo nội dung yêu cầu của kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.
Hiện Đà Nẵng đã thực hiện xong 3/5 nội dung kết luận, đã thu 44% tiền về ngân sách, đã điều chỉnh 25% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thời hạn…
Thành phố này cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng thống kê, rà soát làm việc với nhà đầu tư để giải quyết, đã làm việc với cấp trung ương, với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn. Đoàn ĐBQH Đà Nẵng cũng đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để thực hiện kết luận 2852.
Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết luận 2852, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Hòa đề nghị, thành phố cần thống nhất về quan điểm xử lý.
“Việc kết luận 2852 cần thực hiện đúng với quy định hiện hành, nhưng phải phù hợp với thực tế, lịch sử của thành phố. Nên đề nghị UBND thành phố kiến nghị Thanh tra Chính phủ cho "giải mật" kết luận 2852, làm cơ sở để tranh thủ sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp vào quá trình thực hiện. Đồng thời, thông tin rộng rãi để người dân được biết về những yêu cầu thực hiện kết luận, tạo sự đồng thuận, chia sẻ”, ông Hòa nói.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND đề đạt những ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn từ kết luânh 2852 cũng như tạo những cơ chế thu hút đầu tư, những vướng mắc trong chính sách tiếp cận đất đai,… để thúc đẩy phát triển TP trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho biết, Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và khẳng định sau kỳ họp này sẽ có văn bản tập hợp chung vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương để báo cáo Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng ghi nhận và có phản ánh với Quốc hội về việc giải quyết những sai phạm đất đai Đà Nẵng.