ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: THAY ĐỔI VĂN HÓA UỐNG RƯỢU, BIA VÌ MỘT MÔI TRƯỜNG AN TOÀN, HẠNH PHÚC

Chúc rượu vốn là một nét văn hóa tao nhã, được dùng trong những dịp vui của người Việt xưa, nhưng ngày nay, bởi thói quen sử dụng tùy tiện, rượu bia lại trở thành nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng... Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thói quen này cần phải thay đổi để đảm bảo môi trường an toàn, hạnh phúc cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG GIỮ GÌN ĐƯỢC BẢN SẮC

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Từ xưa, người Việt ta có nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rượu, đặc biệt trong các dịp lễ Tết quan trọng. Nếu như trước kia rượu là để đàm đạo, hội ngộ và không mượn rượu một cách tùy tiện thì ngày nay trong xã hội hiện đại, mọi người có đủ lý do để uống rượu như sở thích, thói quen, gặp đối tác… Ông có suy nghĩ thế nào về điều này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Không chỉ là thói quen, sở thích của một số người, bản thân người Việt Nam cũng có nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rượu. Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám; rượu gắn với bạn hiền, với những lời thề ước. Nếu như miếng trầu là đầu câu chuyện thì chén rượu là đầu cuộc vui…Trong nhiều nghi lễ truyền thống, hội làng, rượu được xem là một vật dâng cúng nhất định phải có, “vô tửu bất thành lễ”. Nó là thứ không thể thiếu với giới tao nhân mặc khách. Những câu nói như “rượu sáng, trà trưa”, “nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Cầm, kỳ, thi, họa/tửu”, cùng “bầu rượu, túi thơ”… đã nói rõ về thú ẩm thực có từ lâu đời này. Cũng vì thế, ở nhiều vùng quê của đất nước đã có nghề nấu rượu nổi tiếng như rượu Kim Sơn, rượu Hồng Đào, rượu làng Vân, rượu Lộc Thủy, rượu Mẫu Sơn, rượu Phú Lễ, rượu San Lùng…

Người Việt có nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rượu

Người Việt có nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rượu

Nói như vậy để biết rằng, thói quen, thú vui uống rượu đã trở thành một phần cuộc sống của người dân, và vì vậy, sẽ rất khó bỏ trong cuộc sống xã hội hiện đại. Nhiều người tìm mọi lý do để biện minh cho thói quen ẩm thực này.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng bất biến, một thói quen không phải lúc nào cũng tốt, nhất là uống rượu trong bối cảnh hiện nay. Nếu như trước kia, trong bối cảnh nông thôn thanh bình, tốc độ xã hội chậm rãi, người ta có thể dành cả “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, Tháng Hai cờ bạc, Tháng Ba hội hè” vì nhịp sống nông nghiệp xoay quanh cây lúa có thể giúp cuộc sống không quá bận rộn, thì ngày nay, tốc độ cuộc sống đã nhanh hơn rất nhiều và không chỉ bó gọn trong một phạm vi nhỏ gọn như ranh giới của lũy tre làng. Bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống, con người vừa phải thay đổi những thói quen cũ, không phù hợp, vừa phải thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Thói quen uống rượu giờ đây cũng phải được nhìn nhận trong một bối cảnh chung đó.

Phóng viên: Như vậy, uống rượu vốn là nét văn hóa tao nhã, được dùng trong những dịp vui, tuy nhiên ngày nay bởi sự sử dụng tùy tiện đôi khi lại trở thành ngọn nguồn của nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng... Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Năm 2022, theo thông tin từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Đến nay (2024), tình trạng dù đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn rất nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt của chúng ta khá đầy đủ và nghiêm khắc, hoạt động truyền thông cũng rất sâu, rộng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Việc xử lý nghiêm cũng đã theo tinh thần làm gương, không có vùng cấm. Đã có rất nhiều thông điệp được tuyên truyền như: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”... nhưng hiệu quả của việc thực hiện những thông điệp này đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Trước những cuộc vui, nhiều người vẫn uống rượu, bia rồi lái xe mà không quan tâm gì đến những chế tài nghiêm khắc và các thông điệp tuyên truyền này. Bởi thế, một trong những giải pháp căn cơ là thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia, đặc biệt là không uống rượu bia khi lái xe.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia, đặc biệt là không uống rượu bia khi lái xe

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia, đặc biệt là không uống rượu bia khi lái xe

Tôi cho rằng, văn hóa không phải là thứ gì đó “nhất thành, bất biến” mà luôn có sự thay đổi phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại. Văn hóa uống rượu cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, thay đổi văn hóa uống rượu có thể là một quá trình dài và phức tạp. Điều đó đòi hỏi, bên cạnh việc thực thi nghiêm và tăng cường các quy định và luật pháp liên quan đến việc bán, quảng cáo và tiêu thụ rượu bia, các chất có cồn, đầu tiên, chúng ta cần bắt đầu bằng việc tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ rủi ro và hậu quả của việc sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc này.

Thứ hai là cần xây dựng môi trường sống lành mạnh, thúc đẩy lối sống không phụ thuộc vào việc tiêu thụ đồ uống có cồn, bao gồm cả việc tăng cường các hoạt động thể chất và sở thích tích cực khác, khuyến khích sự đa dạng trong các loại thức uống và lựa chọn giải trí khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào việc sử dụng đồ uống có cồn.

Thứ ba là hỗ trợ và tư vấn cho những người có vấn đề về việc kiểm soát tiêu thụ, sử dụng đồ uống có cồn, giúp họ thay đổi hành vi và tạo ra những thói quen mới lành mạnh. Đồng thời, tạo ra các chương trình và hoạt động xã hội có ý nghĩa trong cộng đồng, nhằm tăng cường sự kết nối và hỗ trợ xã hội, giảm bớt sự cô đơn và cảm giác căng thẳng mà một số người có thể cố gắng giải quyết bằng cách sử dụng đồ uống có cồn. Trong đó nên thiết lập một mạng lưới trong cộng đồng, nhằm hỗ trợ những người đang cố gắng thay đổi thói quen uống rượu, sử dụng đồ uống có cồn.

Tôi tin rằng, kết hợp các biện pháp này có thể giúp thay đổi văn hóa uống rượu, sử dụng đồ uống có cồn, làm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn trong cộng đồng. Làm được điều đó, chúng ta sẽ trả lại môi trường an toàn, hạnh phúc cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85230