ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Văn hóa điều tiết các hành vi của con người

ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng con người Việt Nam có văn hóa, tri thức, đạo đức trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước ta hiện nay?

Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Con người chính là mục đích của mọi sự phát triển, cả kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục hay văn hóa. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn phát triển hết sức đặc biệt của lịch sử. Ở đó, nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, với Internet và mạng xã hội, khiến xã hội biến đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội và văn hóa mới, chưa có tiền lệ, tác động rất lớn đến con người. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhanh chóng đi tìm những giải pháp phù hợp. Trong đó, văn hóa được xem như hệ điều tiết cho các hành vi của con người. Việc thường xuyên tiếp xúc với văn hóa, nghệ thuật, cụ thể ở đây là cái đẹp và sự tử tế của cuộc sống khiến con người không chỉ phát triển năng lực thẩm mỹ mà còn được bồi dưỡng cả về nhân cách đạo đức, những thứ giúp điều chỉnh hành vi xã hội.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào yếu kém, bất cập trong lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Đặc biệt là môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Quan điểm của ông?

Tôi cho rằng, chỉ khi nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực văn hóa mới biết mình còn thiếu gì, yếu gì, từ đó có biện pháp khắc phục. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa vẫn còn nhiều bất cập. Môi trường văn hóa bị “vẩn đục” bởi nhiều hiện tượng tiêu cực, nhảm nhí, trong đó có cả hành vi từ những người nổi tiếng trong xã hội.

Những hiện tượng văn hóa lệch chuẩn, lai căng, không phù hợp tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và lối sống của không ít người, trong đó có thế hệ trẻ. Vì thế, chúng ta luôn đặt trọng tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Tại Đại hội XIII của Đảng, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục được đặt ra. Việc xây dựng các hệ giá trị đã có tác động như thế nào trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta?

Để giúp văn hóa phát triển, tạo điều kiện xây dựng con người toàn diện và đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, để từ đó, điều tiết con người trong mọi không gian của xã hội, từ trong chính mỗi cá nhân, đến gia đình và xã hội.

Nhờ đó, những hệ giá trị này giúp chúng ta hiểu những gì nên làm, không nên làm, phải làm, không được phép làm, cũng làm cơ sở hình thành nên dư luận xã hội ủng hộ giá trị tích cực của xã hội. Trên cơ sở ấy, văn hóa điều tiết hành vi của mỗi người và toàn xã hội.

Chính vì lý do đó, xây dựng các hệ giá trị giúp chúng ta tập trung hơn vào những mục tiêu của mình, tăng cường sức mạnh của dân tộc, củng cố sự tự tin văn hóa để hội nhập quốc tế tốt hơn, mang lại lợi thế cho sự phát triển đất nước.

Quá trình xây dựng các hệ giá trị đã tạo chuyển biến như thế nào về văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người trong xã hội hiện nay?

Phải thừa nhận rằng, hệ giá trị rất quan trọng đối với việc xây dựng đất nước. Chúng ta đã chuẩn bị rất tốt để định hướng xây dựng các hệ giá trị bằng những nghiên cứu, tổng kết cụ thể, xây dựng môi trường văn hóa ở gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội và cả trên không gian mạng bằng hệ thống luật pháp, chính sách và kể cả các bộ quy tắc ứng xử để hướng dẫn hành vi.

Những chuyển biến có thể thấy được qua dư luận xã hội đã lên án những hành vi phản cảm, lệch chuẩn, không phù hợp diễn ra trong các không gian, môi trường này. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều hoạt động thiện nguyện, tốt đẹp trong xã hội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chúng ta cần có những giải pháp gì để khắc phục những bất cập và xây dựng các hệ giá trị thích ứng với thời kỳ mới?

Chúng ta cần giải pháp tổng thể để xây dựng các hệ giá trị phù hợp với thời kỳ mới.

Theo tôi, đầu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức để định hướng hành vi của con người, trong đó có giữ gìn và phát huy các hệ giá trị.

Khi hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của các hệ giá trị trong việc phát triển con người, đất nước, chúng ta sẽ có những hành động phù hợp để giữ gìn và xây dựng những giá trị này. Việc tuyên truyền phải được thực hiện một cách sinh động, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng trên nhiều phương tiện và môi trường khác nhau, đặc biệt chú ý đến môi trường mạng Internet, mạng xã hội. Việc tuyên truyền phải coi trọng nguyên tắc lấy cái tốt - đẹp, dẹp cái xấu - ác để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển hành vi của con người.

Thứ hai, cụ thể hóa các giá trị bằng những nội hàm mới phù hợp với bối cảnh thời đại.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, chính sách để các hệ giá trị có thể thấm sâu vào toàn bộ xã hội. Có những thể chế, chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến việc hình thành và phổ biến các hệ giá trị. Vì thế, cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.

Thứ tư, làm gương là một giải pháp quan trọng. Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành các hệ giá trị.

Thứ năm, các hệ giá trị tồn tại rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội.

Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành các hệ giá trị qua các bài học làm gương, thì trường học lại là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp, các sự kiện và tuyên truyền khác. Phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các hệ giá trị được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác.

Cuối cùng, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp. Khi đó, văn hóa sẽ trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển chung của xã hội, đạo đức, nhân cách cho mỗi cá nhân. Từ đó, những hành vi đẹp, hành động tốt dễ đơm hoa, kết trái, đồng thời tạo ra sức đề kháng để những hành vi xấu, cái ác bị lên án, không thể tồn tại.

Để giúp văn hóa phát triển, tạo điều kiện xây xựng con người toàn diện và đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

(thực hiện)

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-bui-hoai-son-van-hoa-dieu-tiet-cac-hanh-vi-cua-con-nguoi-213111.html