ĐBQH: 'Chính sách xã hội hóa giáo dục chung chung, không được thì thôi, làm tội nhà trường và giáo viên'

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2022, về đầu tư cho giáo dục, một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ những hạng mục cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay cần sự huy động, đóng góp của xã hội, với mục tiêu đảm bảo tốt nhất cơ sở vật chất cho giáo viên và học sinh.

Một số đại biểu cho rằng việc giải ngân các gói hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất cho hệ thống trường lớp còn chậm nên nhiều địa phương còn thiếu trường lớp học, đặc biệt là ở các khu công nghiệp còn thiếu hệ thống trường Mầm non. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh việc giải ngân, cũng như cần quy định rõ việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Vấn đề thiếu giáo viên, một số đại biểu cho rằng hiện nay, ở cấp Tiểu học đang có tình trạng thiếu giáo viên các môn: Tin học và tiếng Anh. Việc thiếu giáo viên không chỉ ở các tỉnh, thành phố lớn và còn xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa; huyện, xã đặc biệt khó khăn.

Đối với vấn đề tinh giản biên chế tại các tỉnh vùng sâu vùng xa hiện đang gặp nhiều khó khăn, do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi vùng cao bởi hiện nay việc duy trì sĩ số học sinh của các lớp học, cấp học ở các trường miền núi cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Thực hiện : Diệu Huyền Phạm Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dbqh-chinh-sach-xa-hoi-hoa-giao-duc-chung-chung-khong-duoc-thi-thoi-lam-toi-nha-truong-va-giao-vien