ĐBQH chuyên trách phải được quy hoạch chức danh thứ trưởng trở lên
Người giới thiệu để bầu ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên. Còn ở địa phương, phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên.
Ngày 25/2, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH, HĐND khóa mới. Theo ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có nhiều điểm mới so với trước đây.
Liên quan đến tuổi ứng cử, đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các DNNN phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn một nhiệm kỳ. Trường hợp giới thiệu tái cử phải còn đủ tuổi trọn một nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác nửa nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt phải do cấp có thẩm quyền xem xét, quy định.
Còn thời điểm cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử là nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây. Tức là thời điểm bầu cử, phải chưa quá 55 tuổi 3 tháng đối với nam; 50 tuổi 4 tháng đối với nữ. Nhân sự tái cử, nam chưa quá 57 tuổi 9 tháng, nữ chưa quá 52 tuổi 10 tháng. Đối với cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ứng cử lần đầu sinh từ tháng 1/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây.
Đối với người ngoài Đảng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo ban Thường vụ cấp ủy có thẩm quyền (nơi nhân sự cư trú, làm việc hoặc ứng cử) kết luận về tiêu chuẩn chính trị.
Đáng chú ý, hướng dẫn 36, đã bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
Ngoài tiêu chuẩn chung, điểm mới bổ sung lần này là, người giới thiệu để bầu ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên. Còn ở địa phương, phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.
Về bố trí trưởng đoàn ĐBQH khóa XV, đại diện Ban Tổ chức Trung ương cho biết, với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử ĐBQH, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn ĐBQH theo nguyên tắc mỗi thường trực cấp ủy cấp tỉnh (Bí thư, Phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND và Trưởng đoàn ĐBQH) không giữ quá 2 chức danh lãnh đạo. Với Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố không giữ quá 3 chức danh lãnh đạo.
Trong trường hợp trưởng đoàn ĐBQH có sự thay đổi công tác thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nhân sự phù hợp đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn ĐBQH.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, sau kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 địa phương có số lượng người tự ứng cử, gồm Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang.
Tuy nhiên, trong thời gian còn lại theo quy định, đại biểu các địa phương khác vẫn có thể tiếp tục tự ứng cử. Do vậy, số đại biểu tự ứng cử cũng có thể tăng thêm ở địa phương và cũng có thể ở cả Trung ương.
“Việc này không có hạn chế gì cả, đây là quyền của mỗi công dân… Mỗi ứng viên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn, là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không vi phạm pháp luật, không đang trong thời gian thi hành án thì hoàn toàn được phép ứng cử theo quy định”, ông Lềnh nhấn mạnh.