ĐBQH dẫn ý Tổng bí thư, Chủ tịch nước khi tranh luận tiếp về những vụ án nóng
Tiếp tục tranh luận về những vụ án nóng, ĐBQH dẫn ý Tổng bí thư, Chủ tịch nước 'không phải thấy đỏ mà tưởng chín' để góp ý cho hoạt động tố tụng.
XEM VIDEO:
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng mỗi ĐBQH phải làm tròn trách nhiệm đại diện cho ý chí nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
ĐBQH nói rộng ra là đại biểu của dân, không thể và không được vô cảm trước nhân dân, cũng không thể thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Ông Thắng chia sẻ: “Những gì tôi phát biểu sáng nay trước Quốc hội và quốc dân là cũng xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm với dân vì công lý, vì trách nhiệm xây dựng chung trong đó có các cơ quan tư pháp.
Tuy nhiên, ĐB Thắng cũng đồng ý với ĐB Phong rằng đừng để thế lực chống phá lợi dụng. “Chúng ta không để sơ hở, phải sửa mình cho tốt, không làm sai, làm trái thì ai chống phá ta được, khi đã đúng thì có nhân dân luôn bên ta. Bài học đấu tranh với diễn biến, âm mưu hòa bình vừa qua đã quá rõ” ông Thắng phát biểu.
ĐB Quảng Trị cũng cho rằng diễn đàn QH là diễn đàn của nhân dân, ĐBQH là người đại diện chứ không phải là diễn đàn riêng cho người nào.
“Tôi chia sẻ với đại biểu là cán bộ của ngành tòa án (ông Phong là Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP HC - PV) và rất cần sự cầu thị lắng nghe ĐBQH nói là chính nghe dân nói, trên nữa là sự góp ý, kiến nghị, cầu thị để sửa chữa khuyết điểm mà tôi chắc rằng ngành tòa án không thể không có khuyết điểm sai lầm, nếu không nói là có cả vi phạm pháp luật. Tôi không khẳng định việc xử án như vậy là đúng hay sai mà đó là lời cảnh báo là cần phải xem xét lại”, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị nói.
Sáng nay, dẫn các vụ án gây ra đang xôn xao dư luận và sự hoài nghi trong nhân dân, ông Thắng cho rằng phải chăng đây là thông điệp, thông tin là kiến nghị để ngành tòa án, các cơ quan tư pháp tự soi, kiểm tra, rà soát lại có đúng như dư luận hay không. “Nếu không đúng thì đó là điều hạnh phúc, còn đúng là nếu chưa tốt thì chúng ta phải làm cho tốt, lấy lại niềm tin cho nhân dân” ông Thắng kết luận.
Không phải thấy đỏ mà tưởng chín
XEM VIDEO:
Bấm nút tranh luận tiếp, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, sáng nay, sau phần phát biểu của ĐBQH Phạm Hồng Phong, ông đã nhận được một số tin nhắn của cử tri thắc mắc.
Theo ông Nghĩa, ĐB Phong nói bản chất chế độ ta không có tam quyền phân lập, điều đó là đúng. Vì không có tam quyền phân lập nên mới có Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Quốc hội lập ra cơ quan hành pháp và tư pháp và giám sát hành pháp và tư pháp. Do đó, các ĐBQH và các UB của Quốc hội có trách nhiệm trước cử tri về việc giám sát.
Những gì các ĐBQH phát biểu về hành pháp, tư pháp trong đó có những vụ án cụ thể là phản ánh băn khoăn của cử tri, đồng thời đó là trách nhiệm của ĐB. Để thực hiện quyền giám sát, Quốc hội đã lập ra Cơ quan Kiểm toán để giám sát về lĩnh vực tài chính- ngân sách; lập ra VKSNDTC là giám sát việc chấp hành pháp luật.
Đây là cơ quan của Quốc hội lập ra, tổ chức theo ngành dọc, có trách nhiệm giám sát ngoài trách nhiệm công tố. Do đó những vấn đề các ĐBQH phát biểu vừa là trách nhiệm vừa đi đúng bản chất quyền lực của chúng ta.
“Từ nghị quyết của Đảng đã đưa vào Hiến pháp là các cơ quan quyền lực có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Quốc hội giám sát hành pháp, tư pháp chính là thực hiện theo quyền Hiến định, theo đúng chức năng.
Tuy rằng luật có quy định quyền tư pháp là quyền cao nhất nhưng Luật cũng quy định VKS có quyền kiểm soát tư pháp, kể cả ở giai đoạn cao nhất sau khi có bản án giám đốc thẩm”, luật sư Nghĩa phân tích.
Luật cũng quy định sau khi có bản án giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì UB Thường vụ Quốc hội, UB Tư pháp của Quốc hội, VKSNDTC đều có quyền có ý kiến. Quốc hội có quyền bỏ phiếu giám sát tối cao, kể cả với những vụ việc đã có quyết định của Hội đồng Thẩm phán.
Không đồng tình ý kiến cho rằng thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá, ĐB TP HCM trích câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình sẽ có hại vì kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền, làm giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù có bưng bít người ta cũng biết”.
Ông nghĩa kết luận học Bác Hồ đó là khi có khuyết điểm thì nêu ra và cho rằng có thể có khuyết điểm thì nêu ra để bàn bạc với nhau.
“Tôi xin kết luận bằng câu nói của Tổng bí thư ‘không phải thấy đỏ mà tưởng chín’” ông Nghĩa nói.
Trần Thường - Video:VTV1