ĐBQH: Đề nghị bổ sung thêm chức danh lấy phiếu tín nhiệm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, Quốc hội đã tiến hành phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Đề nghị bổ sung thêm chức danh lấy phiếu tín nhiệm
Đánh giá cao việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết số 85/2014/QH13, tuy nhiên, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ băn khoăn về hai vấn đề.
Thứ nhất là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại điều 2. Theo đại biểu, các khoản 1, 2, 3, 4 đã quy định chi tiết các đối tượng và quy định 1 số trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm tại khoản 5.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tại dự thảo này vẫn còn một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Thành viên Hội đồng Quốc phòng an ninh và các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn như Phó trưởng ban HĐND, Hội thẩm tòa án nhân dân không nằm trong diện lấy phiếu tín nhiệm.
Theo nữ đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, việc bầu và phê chuẩn chức danh nhất định là giao cho cá nhân người đó quyền và trách nhiệm cụ thể. Lấy phiếu tín nhiệm là kênh quan trọng để Quốc hội và HĐND xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây cũng là cơ hội để cán bộ tự soi, tự sửa bản thân.
"Nếu không đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm thì chúng ta dựa vào cơ sở nào để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với các cá nhân này, hay lại dựa vào kết quả đánh giá kết quả cuối năm?" - đại biểu bày tỏ.
Góp ý tại tổ thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thành (Đoàn ĐBQH Kon Tum) cho rằng, dự thảo Nghị quyết số 85/2014/QH13 mà ban soạn thảo trình xin ý kiến lần này khá đầy đủ, bám sát và vận dụng tương đối tốt Quy định 96 của Bộ Chính trị.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, dự thảo có quy định hành vi cấm trong việc lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó có việc cấm tác động đến người đại biểu Quốc hội, HĐND nhằm mục đích ghi phiếu tín nhiệm không trung thực, có lợi cho người lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đại biểu đề nghị bổ sung ngoài hành vi cấm cần quy định thêm 1 nội dung đó là quy định trách nhiệm của ĐBQH, đại biểu HĐND trong việc ghi phiếu tín nhiệm đó là công tâm, khách quan, trung thực. Đại biểu Quốc hội, HĐND mà khách quan trung thực thì cá nhân người được bỏ phiếu tín nhiệm muốn tác động cũng sẽ không tác động được nữa.
Bổ sung kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực làm tiêu chí đánh giá
Góp ý về tiêu chí về Điều 6 căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho biết điều này chỉ nêu 2 tiêu chí đó là: Phẩm chất chính trị đạo đức lối sống về việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về kết quả thực hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực vì hai lý do. Thứ nhất, đây là nội dung quan trọng mà toàn Đảng và hệ thống chính trị mà toàn cán bộ, đảng viên phải hệ thống hóa và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, ngay tại Điều 5, Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã nêu rõ 2 tiêu chí quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Cả 2 tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đều đề cập đến đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực.
"Ban soạn thảo cần bổ sung để Nghị quyết số 85/2014/QH13 đồng bộ với quy định 96 của Bộ Chính trị" - đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang đề nghị.
Nêu ý kiến tại tổ thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Đoàn Thanh Hóa) góp ý về Điều 6 về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo đại biểu, ngoài tiêu chí về phẩm chất, đạo đức lối sống, việc hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, cần có thêm tiêu chí đánh giá việc thực hiện chương trình hành động trước khi ứng cứ, lời hứa trước cử tri đối với lãnh đạo quản lý là ĐBQH hay HĐND các cấp.
Về mức độ tín nhiệm, theo đại biểu Mai Văn Hải, dự thảo đang dự kiến 3 đánh giá đó là: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp. Đại biểu cho rằng, nội hàm của các mức này không rõ, không được quy định cụ thể nên hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận của mỗi đại biểu khi bỏ phiếu. Chính vì vậy, đối với từng mức tín nhiệm cần có nội dung, nội hàm cụ thể để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm người được lấy phiếu tín nhiệm.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị dự thảo nên quy định thêm hành vi bao che cho hành vi vi phạm của những người được Quốc hội, HĐND đưa ra lấy phiếu tín nhiệm./.