ĐBQH đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai

Liên quan đến việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần cân nhắc, tránh chồng chéo.

Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi lần này, đặc biệt trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt với nhiều loại hình hơn, tần suất nhiều hơn và tính bất thường ngày càng nhiều hơn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn).

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn).

Về ngân sách phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng thống nhất với Dự thảo bộ về nội dung bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào nguồn ngân sách để bảo đảm cho hoạt động phòng,chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành.

Theo đại biểu, việc bố trí nguồn ngân sách này bảo đảm sự chủ động và giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như xây dựng, yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chữa,xây dựng các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn thiết.

Liên quan đến việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần cân nhắc, bởi việc kêu gọi tiếp nhận các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua Hội Chữ thập đỏ là tổ chức được Chính phủ giao là đầu mối quản lý tiếp nhận viện trợ nhân đạo. “Việc hình thành quỹ tại Bộ NN-PTNT cần xem xét có chồng chéo hay không và trong trường hợp các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ thông qua các dự án phòng, chống thiên tai thì lại được quản lý theo ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu.

Vị đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng cho rằng, cần quy định quản lý và quan hệ phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Hội chữ thập đỏ trong việc tiếp nhận và quản lý các nguồn trên để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. “Tôi đề nghị nếu thành lập, Chính phủ làm rõ thêm mối quan hệ quản lý giữa quỹ và Hội chữ thập đỏ và vấn đề này có phát sinh cơ quan biên chế quản lý hay không; Đồng thời cần có quy định có tính nguyên tắc về mối quan hệ với các quỹ địa phương để bảo đảm đồng bộ, thiết thực hiệu quả cho quỹ hoạt động phòng, chống và giảm thiểu thiên tai và nếu cần thiết thì có cơ chế điều hòa giữa Trung ương và địa phương”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết.

Ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng thống nhất cao với Ban soạn thảo bổ sung quy định về ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai tại Khoản 6 Điều 5. Đây là một trong những chính sách quan trọng giúp cho công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang).

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang).

Đại biểu cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng. “Thời gian qua, nhiều đoạn bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng. Có nơi, mỗi năm bờ biển bị sạt lở từ 20 đến 30m. Có nơi cách đây 30 năm, đê biển được đầu tư xây dựng cách bờ biển hơn 1 km nhưng nay chỉ còn đê biển và đê biển này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, cần có nghiên cứu và đưa ra giải pháp bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả”- đại biểu Lê Quang Trí nói.

Đại biểu Lê Quang Trí cho biết, việc quy định chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu đoàn Tiền Giang, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những công tác khó và phức tạp đối với Việt Nam và một số nước. Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai như Nhật Bản, Mỹ, Philippines. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó, để giảm thiểu thiên tai, cần xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình kết hợp phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, do nguồn lực quốc gia có hạn nên cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết nhất.

“Trong giai đoạn hiện nay rất cần đầu tư xây dựng các công trình ao, hồ điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và nguồn nước sinh hoạt, không bị động bởi các đập thủy điện trên sông Mekong”- đại biểu Lê Quang Trí cho biết./.

Thy Hạt/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dbqh-de-nghi-can-nhac-viec-thanh-lap-quy-phong-chong-thien-tai-981383.vov